Saturday, August 7, 2010

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (6)

Cuộc khám nghiệm được tiến hành. Các quan pháp y bắt tay vào việc của mình. Biên bản được ghi theo sự phán quyết của quan pháp y phụ trách:

– Phần ngoài thân thể của nạn nhân, từ chân tay, mình mẩy không có dấu vết gì; sau gáy có vết rách dài 5cm; phần cổ hai bên phía dưới cằm có vết tím, khẳng định là vết chàm xuất hiện sau khi nạn nhân chết.

– Người nhà tôi không có vết chàm trên cổ, yêu cầu kiểm tra lại! Người nhà nạn nhân phản đối.

– Tôi nói là vết chàm xuất hiện sau khi nạn nhân chết, nghe chưa? Giọng của quan phụ trách gay gắt.

– Vô lý! Vết chàm là vết xuất hiện từ khi lọt lòng mẹ, làm gì có vết chàm xuất hiện sau khi chết? Người nhà nạn nhân phản bác.

– Các ông, bà có tin tưởng vào chuyên môn không? Nếu không tin thì tự đi mà làm. Tôi làm công, ăn lương lúc nào cũng khách quan, trung thực. Những kết luận của tôi đều dựa trên cơ sở khoa học.

– Ông nói thế mà nghe được à? Chúng tôi là người dân, thấy vô lý thì chúng tôi hỏi. Ông ăn bổng lộc của dân, ông lại đi thách đố với dân chúng tôi. Ông tự xem có được không? Ông giải thích lại cho chúng tôi nghe tại sao lại có vết chàm trên cổ của người nhà tôi.



– Đây là vết sau khi nạn nhân chết, máu tụ lại.

– Tại sao máu lại tụ lại? Có phải nguyên nhân do tác động bên ngoài?

– Không có tác động bên ngoài, mà con người ta khi còn sống, máu lưu thông khắp cơ thể, khi chết máu ngưng đọng, nạn nhân này máu khựng lại ở cổ, gọi là tụ máu. Nhiều người khác cũng có hiện tượng tương tự thế này nhưng ở chỗ khác, thí dụ như ở chỗ kín chẳng hạn nên ta không để ý, không biết.

– Chúng tôi không chấp nhận cách giải thích của ông!

– Tôi chỉ giải thích các ông, bà trên góc độ chuyên môn.
Tiếp tục công việc khám nghiệm, quan quan pháp y mổ phần đỉnh đầu để kiểm tra.

– Chúng tôi yêu cầu kiểm tra vết rách sau gáy! Độ dài, độ sâu, cái gì tác động đến? Người nhà nạn nhân lại lên tiếng.

– Mổ ở trên đầu là có thể kết luận được các phần khác trên cơ thể người đó, đầu là cơ quan trung ương đóng đô ở đó nên mọi phát sinh ở cơ thể con người cơ quan trung ương đều nhận biết, vì thế không nhất thiết phải kiểm tra trực tiếp vết thương. Quan phụ trách pháp y giải thích.

– Phần trên đầu bình thường. Quan pháp y phụ trách kết luận.
Biên bản lại được tốc ký theo kết luận của quan phụ trách.

– Đề nghị các ông giải thích: bình thường là bình thường thế nào? Người nhà nạn nhân lại yêu cầu.

– Bình thường là bình thường, là không có gì đặc biệt.

Tiếp đến là động tác rạch bụng để kiểm tra bên trong.

– Nội tạng bên trong bình thường. Quan pháp y phụ trách lại phán.

– Bọng đái sao nó xẹp vậy? Lẽ ra nó phải có nước bên trong mới phải? Người nhà nạn nhân nhao nhao hỏi.

– Khi nạn nhân dẫy chết, nước đái một phần vãi ra, một phần được điều tiết cấp cứu nuôi cơ thể nên bọng đái cạn kiệt nước. Quan pháp y phụ trách lại giải thích.

– Thôi tốt nhất là không nói với bọn này nữa, để lát nữa nó kết luận cuối cùng thế nào! Người nhà nạn nhân tự bảo nhau.
Các vết mổ được khâu lại cẩn thận. Cuộc khám nghiệm kết thúc. Quan pháp y phụ trách thông báo:

– Cuộc khám nghiệm đã xong, chúng tôi sẽ đưa biên bản này về để trình hội đồng kết luận rồi sẽ thông báo cho gia đình sau. Bây giờ gia đình ký vào biên bản rồi đưa nạn nhân về mai táng.

– Chúng tôi yêu cầu trả lời về nguyên nhân cái chết của người nhà tôi. Người đại diện gia đình nạn nhân kiên quyết.

– Chúng tôi chỉ có trách nhiệm ghi biên bản trung thực qua khám nghiệm, còn kết luận phải có ý kiến của trên. Quan phụ trách lại giải thích.

– Gia đình chúng tôi không chấp nhận được cuộc khám nghiệm này và chúng tôi không ký biên bản.

Quan đồn trưởng từ nãy đến giờ chỉ đứng vòng ngoài quan sát, nay đến lượt phải ra tay. Ông ta đến sát người đại diện gia đình ôn tồn:

– Bác ký vào biên bản đi, vì bất cứ cuộc làm việc nào đều phải có biên bản, và các bên phải cùng ký. Còn việc bác chưa đồng ý với cuộc khám nghiệm này thì đó lại là việc khác.

– Tôi nói là tôi không đồng ý với cung cách làm việc này, vì thế tôi nhất định không ký, đến đâu thì đến.

Mọi người xúm lại lấy vải cuốn lấy người nạn nhân của nhà mình rồi cứ thế đưa nạn nhân về nhà.

Bỗng có một chiếc xe bán tải chở chiếc quan tài sơn son, thiếp vàng đi vào. Người nhà nạn nhân ngơ ngác hỏi nhau:

– Chúng nó định làm gì vậy? Nó định mai táng con nhà mình tại đây sao?

Quan đồn trưởng giải thích:

– Nghĩa tử nghĩa tận, dù sao thì cháu cũng đã mất. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu các nhà chức trách sẽ làm rõ. Chúng tôi đã chuẩn bị xe, quan tài, đề nghị gia đình cho liệm cháu rồi xe chúng tôi đưa cháu về. Để thế này trông tội nghiệp, thương xót lắm!

– Cảm ơn về sự tốt lòng của các ông! Chúng tôi không cần sự giúp đỡ đó, chúng tôi tự lo liệu được.

– Quan tài đã mua, xe chúng tôi đã chuẩn bị, đề nghị gia đình chấp nhận cho về sự quan tâm của chúng tôi!

– Cảm ơn các ông! Quan tài đó để chôn thằng khác, người nhà tôi không cần. Chúng tôi yêu cầu sáng sớm mai, các ông đến gia đình chúng tôi làm việc tiếp. Bây giờ chúng tôi đưa người nhà tôi về.
Hai thanh niên khoẻ, một người trước, một người sau dùng hai xe máy cáng nạn nhân về. Các quan, sĩ của đồn nhìn theo cho đến khuất mắt, rồi cũng rã đám ra về.
Bà con lối xóm, anh em họ hàng tụ tập chật ních đón người thanh niên xấu số về nhà, tiếng khóc, tiếng gào thét, tiếng chửi độc inh ỏi, suốt cả đêm cái làng bé nhỏ, yên tĩnh, những người dân hiền lành, chất phác, hay lam, hay làm bỗng sục sôi lòng căm phẫn, uất hận...

Viên quan đồn trưởng huyện rút điện thoại báo cáo vụ việc với quan đồn trưởng tỉnh:

– ...Thưa! Họ mang xác nạn nhân về rồi ạ. Họ không chấp nhận kết quả khám nghiêm tử thi, họ không cho liệm ở đây! Họ yêu cầu sáng mai đến nhà làm việc tiếp ạ.

– Sáng mai trước giờ làm việc, ông lên gặp tôi để bàn. Giờ đã khuya, với lại nói qua điện thoại không tiện.

– Dạ vâng, sáng mai em lên ạ.
Sáu giờ sáng hôm sau, quan đồn trưởng huyện đã có mặt tại phòng làm việc của quan đồn tỉnh trưởng.

– Sao! Đầu đuôi câu chuyện thế nào?
Quan đồn trưởng huyện kể ngọn ngành cho quan đồn tỉnh trưởng. Nghe xong quan đồn tỉnh trưởng phán:

– Ông quản lý lính thế này thì chết rồi! Xui xẻo cho cái ngành của ta, hết vụ Đống Đa Hà Nội, đến vụ Hà Đông, vụ Cồn Dầu... nay lại đến vụ này. Bây giờ đối phó làm sao! Ăn nói thế nào với bàn dân thiên hạ! Ông có phương án gì để đối phó với tình hình nói tôi nghe!

– Dạ thưa sếp, ban đầu tụi em tìm cách phủi tay, khẳng định nó chết do cảm hoặc chích choác đột tử. Em đã bố trí cho các quan pháp y của mình khám nghiệm kết luận không có dấu vết gì khả nghi bị đánh đập. Đến khi tiến hành khám, gia đình họ không nghe, không chịu ký biên bản. Họ không thừa nhận kết quả khám nghiệm. Chắc chắn hôm nay đến gặp họ, họ sẽ yêu cầu khám nghiệm lại, bây giờ tính sao đây quan anh?

– Kiểu gì cũng phải chịu tai tiếng rồi. Cái chính là đừng để nó loang ra, đừng để nó tạo ra điểm nóng, đừng để các phần tử xấu lợi dụng cơ hội gây mất trật tự anh ninh chính trị. Đặc biệt là cảnh giác với các thế lực thù địch kích động gây hận thù giữa quần chúng nhân dân với lực lượng ta. Bây giờ gia đình gay gắt nhất là về chuyện gì?

– Dạ họ yêu cầu phải trả lời bằng văn bản cho họ về nguyên nhân gây ra cái chết của con họ. Họ đòi có biên bản hiện trường. Em giải thích cho họ là khi xảy ra anh em cấp tốc mang đi cấp cứu nên không có biên bản. Họ lại yêu cầu có báo cáo chính thức của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này. Bây giờ em không biết làm sao nữa thưa quan anh!

Tăng cường động viên, làm công tác tư tưởng để gia đình đem chôn cất, xong xuôi sẽ tính. Đó là biện pháp tốt nhất.

– Dạ thưa quan anh, họ không nghe đâu ạ, họ tuyên bố khi nào làm rõ nguyên nhân cái chết của con họ thì họ mới an táng. Em đã giải thích là phải chờ kết quả khám nghiệm tử thi thì mới có kết luận nhưng họ không nghe.

– Vậy thì cố gắng dây dưa kéo dài thời gian ra, buộc họ phải chôn cất. Chắc họ không thể để dài ngày được. Xong xuôi việc đã rồi ta sẽ làm công tác tư tưởng, vận động gia đình từ bỏ việc kiện cáo, tăng mức bồi thường cho gia đình là xong hết ấy mà. Tôi sẽ có ý kiến bên pháp y để họ xử lý theo hướng của ta khi phải tiến hành khám nghiệm lại.

– Vâng, em sẽ triển khai theo chỉ dẫn của quan anh.

– Mấy phi vụ Hà Nội, Hà Đông, Cồn Dầu người ta còn dẹp được, huống chi vụ này thấm vào đâu! Tôi tin ông sẽ dẹp được yên.

– Dạ em chào sếp em về.

- Tôi cử một tổ sĩ quan xuống cùng ông xử lý vụ này, chu đáo với họ nhé!

– Dạ cảm ơn sếp ạ.
*


Đến tám giờ sáng, một tốp quan gồm quan đồn trưởng huyện dẫn đầu cùng một số quan đồn của tỉnh và huyện đến gia đình nạn nhân theo yêu cầu của phía gia đình.

– Chúng tôi phản đối cung cách khám nghiệm tử thi hôm qua! Người của các ông làm việc tắc trách, vô trách nhiệm, các ông coi thường dân chúng tôi, lừa bịp chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu tổ chức khám nghiệm lại và phải thay đổi hội đồng khám nghiệm. Phía gia đình của nạn nhân yêu cầu.

– Vâng, chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu của gia đình! Quan đồn trưởng miễn cưỡng trả lời.

Buổi chiều, 14h cuộc khám nghiệm lần hai bắt đầu. Lần này các quan khám nghiệm mổ rộng đầu nạn nhân về phía sau gáy kiểm tra vết rách sau gáy, xác định vết tím bầm ở cổ và vết rách sau gáy có tác động từ phía bên ngoài, rạch lại bụng của nạn nhân kiểm tra bên trong. Tất cả đều lấy mẫu để đi kiểm tra, xét nghiệm.

– Đề nghị kiểm tra kỹ bọng đái. Người nhà nạn nhân yêu cầu.
Tức thì quan pháp y dùng dao cắt phăng bọng đái lấy ra ngoài đặt lên trên ngực của nạn nhân.

– Đây, bọng đái đây! Quan pháp y nói vẻ bực tức.

– Bọng đái sao bên trong không có nước? Kiểm tra xem có bị vỡ không? Người nhà nạn nhân nhao lên hỏi.
Quan pháp y nhấc lên kiểm tra cho xong chuyện, rồi tuyên bố:

– Không có vết thương, không có bị vỡ.
Cuộc khám nghiệm lần hai kết thúc chóng vánh. Các vết rạch, mổ lại được khâu lại cẩn thận. Quan pháp y phụ trách thông báo:

– Chúng tôi sẽ đưa các mẫu này đi xét nghiệm, khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo ngay cho gia đình. Hiện giờ chúng tôi không có phát biểu gì, đề nghị gia đình yên tâm. Chúng tôi sẽ trung thực, khách quan.

Quan đồn trưởng tiếp lời:

– Bây giờ gia đình cứ tổ chức mai táng cho cháu, mọi việc sẽ được sáng tỏ sau khi có kết luận của hội đồng khám nghiệm tử thi.

– Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu ông đồn trưởng gửi cho chúng tôi một biên bản tại chỗ khi xảy ra cái chết của con tôi tại cơ quan ông.

– Chúng tôi đã thông báo nhiều lần với gia đình là lúc xảy ra, mọi người lập tức đưa cháu đi cấp cứu ngay nên không có biên bản, mong gia đình thông cảm cho.

– Chúng tôi cũng đã yêu cầu nếu không có biên bản, các ông phải gửi cho gia đình chúng tôi một báo cáo về toàn bộ sự việc diễn ra ngay tại lúc đó, để chúng tôi biết nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của con tôi.

– Vâng, chúng tôi sẽ có báo cáo gửi gia đình.

– Ngay chiều tối nay các ông phải có báo cáo đưa cho chúng tôi để chúng tôi yên tâm tổ chức mai táng cho cháu. Chừng nào chưa làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu thì gia đình chưa tổ chức mai táng. Mọi việc phụ thuộc vào các ông!

– Vâng, chúng tôi sẽ cố gắng có báo cáo sớm gửi gia đình.

– Sớm là lúc nào? Chúng tôi yêu cầu ngay chiều tối nay, liệu các ông có đáp ứng được không? Người nhà nạn nhân tỏ thái độ rứt khoát.

– Vâng chúng tôi sẽ cố gắng.

Nói rồi các quan, sĩ bỏ ra về. Mấy người họ hàng của gia đình nạn nhan chửi với theo sau:

– Đồ khốn nạn, nó lừa ta đấy! Nó định dây dưa kéo dài để có cớ phủi tay vô tội đấy mà! Được lắm. Hãy đợi đấy!


...

No comments:

Post a Comment