Saturday, August 7, 2010

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (9)

Cỗ xe tang đã tiến vào thành phố với tốc độ nhanh hơn, náo nhiệt hơn. Mọi người hối hả tiến bước trên chặng đường còn lại. Cả dòng người cuồn cuộn, mồ hôi đầm đìa bởi cuộc hành quân đến chục cây số dưới tiết trời oi bức. Quan đồn trưởng tỉnh đứng ngồi không yên, đi đi lại lại trong phòng làm việc tìm kế sách đối phó. Tiếp tục biện pháp chặn chúng lại, xuống thang, tìm cách đàm phán với bọn chúng. Ông ta tự nhủ rồi ra lệnh cho hạ cấp huy động toàn bộ số quân lính đang thường trực tại đồn đến chặn đoàn người đã tiến vào thành phố. Một toán quan lính mặc quân phục chỉnh tề, tay lăm lăm dùi cui dàn hàng ngang. Người đi đầu dùng loa cầm tay dõng dạc tuyên bố:

– Chúng tôi, những người đại diện chính quyền nhà nước. Chúng tôi được lệnh cấp trên yêu cầu mọi người dừng lại. Chúng tôi cần gặp đại diện tang chủ! Ai là người đại diện gia đình của nạn nhân mời đến gặp chúng tôi!

– Chúng tôi chỉ làm việc với tỉnh trưởng! Chúng tôi không làm việc với bất cứ ai! Người đại diện gia đình tuyên bố.

– Các ngươi đã vi phạm pháp luật, vì gây mất trật tự nơi công cộng! Yêu cầu mọi người dừng bước! Tốp lính của quan đồn trưởng tỉnh tạo thành nhiều hàng rào chắn đoàn người.

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (8)

Trong số những người đưa tang, có người con gái tuổi trạc mười tám đôi mươi, người mảnh dẻ, xinh xắn, hiền hậu. Cô có mặt từ sáng sớm tại tang gia kể từ khi người thanh niên xấu số được đưa từ bệnh viện về nhà, và từ hôm đó người ta ta thấy cô luôn ngồi bên cạnh người thanh niên xấu số này. Cô không đội khăn tang, không gào thét thảm thiết như bao người khác, nhưng cứ nhìn vào đôi mắt sưng vù, khuôn mặt nhợt nhạt của cô đủ thấy sự đau thương, mất mát của cô đến chừng nào. Cô chậm rãi bước đi cùng với hai phụ nữ trong thân tộc của gia quyến dìu cô trong vòng vây của những người ruột thịt, những người thân thiết nhất của tang chủ để tiễn biệt người bạn trai mà cô đã nguyện ước sống bên anh đắp xây hạnh phúc bình dị.

Đám tang đang tiến mỗi lúc một xa lũy tre làng, tiếng trống, tiếng kèn tiễn đưa thôi thúc đoàn người tiến thẳng về phía trước quyết đòi cho được sự công bằng và công lý. Từng tốp trinh sát của quan đồn trưởng huyện, tốp theo sau, tốp đi trước dõi theo diễn tiến cuôc đưa đám. Từng tốp liên tục báo cáo với quan đồn trưởng qua điện thoại cầm tay.

Đến đường rẽ vào nghĩa địa, không thấy đoàn xe tang dừng, không thấy rẽ vào. Chiếc quan tài chất đầy những vòng hoa trắng tinh khiết vẫn tiến thẳng ra đường quốc lộ. Các tốp trinh sát của quan đồn trưởng bỗng nhao nhác như đàn vịt con bị diều hâu lao xuống cướp đi sinh mạng.

– Thưa sếp, bọn chúng không đi vào nghĩa địa mà chúng đưa quan tài đi thẳng lên tỉnh! Bây giờ xử lý thế nào ạ?

– Thực hiện theo phương án một!

– Dạ vâng!

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (7)

Dòng họ nội tộc của nạn nhân lại ngồi với nhau bàn bạc, một người cao tuổi bức xúc đứng lên tuyên bố:

– Từ hôm qua đến giờ, thái độ của chúng nó cho ta thấy rõ ràng là: Chúng bao che cho nhau, tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, chính xác hơn là bọn chúng âm mưu đổi trắng thay đen, tìm cách trút bỏ tội và đổ lỗi lên đầu chúng ta. Việc làm này trái với luân thường đạo lý, trái với pháp luật, chúng ta phải tìm cách đối phó với bọn chúng để tìm ra sự thật, lấy lại sự công bằng và cũng để giải oan cho con ta được thanh thản. Khó mấy cũng phải làm, đến đâu cũng phải làm, làm đến cùng. Bây giờ chúng ta liệm cho cháu rồi làm thủ tục cúng viếng theo phong tục tập quán, đợi làm rõ sự việc sẽ mai táng.
Mọi thủ tục, nghi lễ được tiến hành trang trọng trong nỗi đau thương căm phẫn được ghìm nén trong lòng.

Chiều tối, rồi khuya, cũng chẳng thấy bóng dáng quan nào đến.

– Tình hình này sáng mai chưa thể tiễn đưa cháu được. Chúng cho rằng sáng mai kiểu gì ta cũng phải đưa tang, bọn nó sẽ đến sau khi đưa tang xong, để sự đã rồi, đó là con bài của bọn chúng. Bây giờ ta tính thế nào? Một người trong dòng họ phát biểu.

– Ta đợi đến hết sáng mai, nếu không thấy họ đến hoặc không đáp ứng yêu cầu của mình, ta mang cháu lên hỏi quan đầu tỉnh, mọi người thấy thế nào? Một người cũng đứng lên trình bày quan điểm của mình.

– Đồng ý! Phải làm cho ra nhẽ! Mọi người tán thành.

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (6)

Cuộc khám nghiệm được tiến hành. Các quan pháp y bắt tay vào việc của mình. Biên bản được ghi theo sự phán quyết của quan pháp y phụ trách:

– Phần ngoài thân thể của nạn nhân, từ chân tay, mình mẩy không có dấu vết gì; sau gáy có vết rách dài 5cm; phần cổ hai bên phía dưới cằm có vết tím, khẳng định là vết chàm xuất hiện sau khi nạn nhân chết.

– Người nhà tôi không có vết chàm trên cổ, yêu cầu kiểm tra lại! Người nhà nạn nhân phản đối.

– Tôi nói là vết chàm xuất hiện sau khi nạn nhân chết, nghe chưa? Giọng của quan phụ trách gay gắt.

– Vô lý! Vết chàm là vết xuất hiện từ khi lọt lòng mẹ, làm gì có vết chàm xuất hiện sau khi chết? Người nhà nạn nhân phản bác.

– Các ông, bà có tin tưởng vào chuyên môn không? Nếu không tin thì tự đi mà làm. Tôi làm công, ăn lương lúc nào cũng khách quan, trung thực. Những kết luận của tôi đều dựa trên cơ sở khoa học.

– Ông nói thế mà nghe được à? Chúng tôi là người dân, thấy vô lý thì chúng tôi hỏi. Ông ăn bổng lộc của dân, ông lại đi thách đố với dân chúng tôi. Ông tự xem có được không? Ông giải thích lại cho chúng tôi nghe tại sao lại có vết chàm trên cổ của người nhà tôi.

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (5)

Cô em gái vợ của quan Sát Dân hớt hải phóng xe máy đến nhà chị gái, vừa dừng xe, tắt máy đã tra hỏi:

– Việc chết người hay sao mà đi đền chùa đêm hôm thế này?

– Việc chết người, đúng là việc chết người!

Rồi thị ta kể đầu đuôi câu chuyện cho em gái nghe.

– Đi luôn, đi luôn! Lên hẳn chùa Độ Thế, chùa to nhất ở xứ này mà cầu. Cô em gái giục.

Ngồi sau xe em gái lướt trên đường với tốc độ cao, cô chị liến thoắng trình bày nội dung sẽ trình trước chùa Độ Thế để tham khảo ý cô em.

– Chẳng cần nhờ thầy trò thằng cha nào hết, đến đấy mua các đồ hàng mã vào thẳng chùa rồi chị tự cầu xin. Việc này nhờ người ta không thể hết nhẽ được.

– Thôi được, mình tự làm, miễn là thành tâm. Người chị tán đồng.

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (4)

Hai quan điện thoại cho nhau, hẹn gặp nhau để thống nhất đối tượng đút lót và mức lo lót. Quan anh Sát Nhân hỏi quan em Sát Dân:

– Quan chú lo được bao nhiêu rồi?

Ái chà, thằng cha này chắc có ý đồ dò la rồi tìm cách lừa ta đây! Còn lâu ta mới bị hố, hãy đợi đấy! Quan Sát Dân tự nhủ, rồi nhanh nhẩu đáp:

– Con vợ nhà em nó cho bên ngoại vay hết rồi, nó đưa cho em có ba triệu bạc, còn quan anh?

Thằng này trông mới nứt mắt mà định lừa ta đây! Nó định đưa đẩy cho ta chịu phần nhiều, khôn thế! Còn lâu nhé!

– Con vợ nhà anh nó cũng cho vay hết rồi, hôm nay nó vét hết tiền còn đi mua cho đứa con gái chiếc xe ga. Thế là hết nhẵn, anh vét hết cầm đi cũng được ba triệu bạc.

– Bây giờ tiền không có, tính sao đây? Mấy triệu bạc không đủ bữa nhậu của các quan. Quan Sát Dân nói.

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (3)

Người nữ thanh niên ngồi chờ lâu, sốt ruột, mở máy di động gọi cho người nam thanh niên.

– Quái lạ, chuông reo mãi mà sao không chịu nghe! Người nữ thanh niên đi thẳng vào trong đồn.

– Đây, xe mình đây rồi mà sao người ở đâu nhỉ? Không khéo mấy bố rủ nhau đi nhậu nhẹt, đang vui, không thèm nghe điện thoại của mình rồi! Cánh đàn ông tệ quá! Đến giờ đi làm ca rồi, kệ thây anh ta!
Người nữ thanh niên tự nhủ, rồi phụng phịu quay ra bắt xe ôm về nhà.

*

Đến bệnh viện, hai quan Sát Nhân và Sát Dân bê người nam thanh niên lên thẳng phòng cấp cứu. Quan Sát Dân nói nhỏ với quan Sát Nhân:

– Này quan anh có tài ứng khẩu, từ nay mọi việc do quan anh phát ngôn nhé! Em ăn nói kém, lại không lanh lợi được như quan anh, em chỉ biết tuân theo quan anh thôi được không ạ?

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (2)

Trên đường đi lên đồn đại bản doanh, người thanh niên ngồi sau xe móc điện thoại trong túi ra gọi cho bạn gái:

– Em cứ chờ anh ở ngoài cổng đồn, xong việc anh ra ngay! Yên tâm đi, không có vấn đề gì đâu!

Theo lời dặn của bạn, người thanh nữ ngồi ngoài cổng chờ.

Xe đỗ xuỵch nơi quy định của đồn, mọi người vào phòng làm việc theo chỉ dẫn của quan anh Sát Nhân. Phòng kê hai bàn làm việc, mỗi bàn có hai ghế ngồi, hẳn là một ghế dành cho đương sự, một ghế dành cho các quan khi làm việc. Giữa phòng kê bộ ghế sa-lon gỗ khá hoành tráng. Quan Sát Nhân chỉ chỗ ngồi cho người thanh niên. Anh ngồi xuống rồi quan sát kỹ phòng. Trên phòng treo la liệt những là trích nghị quyết của triều đình, giấy khen, bằng khen của tập thể đội; đặc biệt những điều lãnh tụ của triều đại căn dặn ngành, cho đến những khẩu hiệu với dòng chữ sơn son, thiếp vàng: "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ...". Quan em Sát Dân lấy trong tủ ra mấy tờ giấy trắng rồi ngồi đối diện với người thanh niên ghi biên bản. Quan Sát Nhân đi đi lại lại trong phòng.

– Căn cước tùy thân đâu? Quan Sát Dân hỏi

– Đây!

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (1)

Chuyện kể rằng:

Một hôm có hai quan sai cấp châu (huyện) thuộc vùng lãnh thổ do triều đại C còng trị vì, một người có tên Sát Nhân, người kia có tên Sát Dân. Hai quan sai này vừa được giao trách nhiệm trông coi việc dân chúng tham giao thông trong phạm vi địa bàn của châu. Hôm nay cả đội của Sát Nhân và Sát Dân không đi làm vì cấp trên triệu đội trưởng và phó đội trưởng đi học tập, quán triệt nghị quyết mới của triều đình. Nhàn rỗi, ngồi trong phòng làm việc tại đại bản doanh của đội, quan Sát Dân trêu chọc quan Sát Nhân:

– Này cái bụng quan anh ngày càng trương ra rồi đấy, ăn ít thôi, dân nó chửi nhục lắm!

– Thì quan chú em cũng khác gì anh! Được mỗi cái bụng không ưỡn ra như anh thôi, mặt bóng nhẫy ra rồi còn gì! Nói thật nhé, tớ đếch sợ bọn dân, bọn chúng sinh ấy sợ gì nó, nó làm gì được mình! Mà đáng sợ nhất, ngán nhất lại chính là cái bọn trong nội bộ của ta, mấy thằng cha trong đơn vị mình nó cứ ghen ăn, tức ở thế nào ấy, khó chịu lắm.

– Người đời nói rồi: "Trâu buộc ghét trâu ăn!", quan anh biết rồi còn gì, nó thấy bọn mình ra đường kiếm ăn được, thằng nào cũng ghen tị, đúng là bọn tiểu nhân.

– Quan chú nói anh nghe xem!