Saturday, April 30, 2011

Bình luận gia mạng bị án tù nặng nề tại Việt Nam

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả
CTM chuyển dịch

Bangkok, 29 tháng 4, 2011 – Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (Committee to Protect Journalist) lên tiếng hôm nay kêu gọi nhà chức trách Việt Nam hãy trả tự do ông Vi Đức Hồi, một nhà hoạt động dân chủ và cũng là bình luận gia trên mạng, đã bị kết án tù 5 năm vào thứ Ba vừa qua vì những bài viết đăng trên mạng chỉ trích chế độ.

Theo tin tức của các thông tấn thế giới thì ông Hồi, nguyên là đảng viên cao cấp của đảng CSVN rồi trở thành một người hoạt động dân chủ, bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế vào tháng Giêng về tội tán phát “tài liệu tuyên truyền chống nhà nước” qua những bài viết ông đăng trên Internet. Theo lời tường thuật của Associated Press thì vào thứ Ba vừa qua, Tòa Phúc Thẩm ở tỉnh Lạng Sơn giảm án xuống còn 5 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Hãng Thông Tấn Pháp (AFP) tường thuật rằng một số bài viết đăng trên blog của ông Hồi tập trung vào các vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Theo lời của tổ chức đối lập Việt Tân thì ông Hồi đăng tải một loạt 6 bài chỉ trích sự độc đảng và khen ngợi phong trào dân chủ hoạt động ngầm.

Ông Hồi được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng có uy tín Hellman/Hammett vào năm 2009 về những bài viết của ông.

Bà Hoàng Thị Tươi, vợ ông Hồi, nói với AP là Tòa Án Nhân Dân Tối Cao giảm án vì ông hợp tác với cơ quan điều tra và vì quá trình phục vụ cho đảng CSVN. Ông Hồi bị bắt vào tháng 10 năm 2010.

Shawn Crispin, đại diện cấp cao vùng Đông Nam Á của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả, cho biết “Bài viết của Vi Đức Hồi kêu gọi dân chủ hóa rõ ràng chạm nọc với chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. “Chúng tôi kêu gọi Thủ tướng Dũng trả tự do cho ông Hồi cùng với những blogger và nhà báo khác bị giam giữ với những tội danh không thật”.

Bản án dành cho ông Hồi xảy ra trong một đợt đàn áp những người chống đối, luôn cả qua Internet. Một nghị định ban hành hồi tháng Hai cho phép giới chức trách thêm nhiều quyền hạn để xử phạt các nhà báo, biên tập, blogger nếu họ tường thuật những vấn đề mà chính quyền cho là tế nhị. Điều 5 của nghị định phân biệt rất rõ quyền hạn của những nhà báo quốc doanh và các nhà blogger độc lập, phóng viên mạng, nhà báo tự do.

Theo sự điều nghiên của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Gia thì có ít nhất 6 bloggers chuyên viết về chính trị bị bắt giữ với những tội danh mơ hồ liên hệ đến an ninh quốc gia, như “tuyên truyền chống phá nhà nước”, và “lạm dụng quyền tự do dân chủ”.

Nguồn: http://www.cpj.org/2011/04/online-commentator-receives-harsh-sentence-in-viet.php

Sunday, April 24, 2011

Hãy trả tự do cho Nhà đấu tranh dân chủ có uy tín

Human Rights Watch

Lệnh trưng thu tiền Giải Thưởng của Hội Văn Bút Quốc Tế của ông Vi Đức Hồi là Bất Hợp Pháp

(New York, 23/4/2011) - Ngày hôm nay Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền đã tuyên bố là Chính phủ Việt Nam phải lập tức trả tự do cho nhà văn Vi Đức Hồi, đã bị kết án 8 năm tù vào Tháng 1, 2011 vì đã "tuyên truyền chống chính phủ". Toà Phúc Thẩm Lạng Sơn sẽ xét xử ông Vi Đức Hồi vào ngày 26/4 sắp tới.

Việc kết tội ông Vi Đức Hồi, một cựu đảng viên Đảng Cộng Sản, bởi Toà Án Nhân Dân Lạng Sơn dựa trên việc ông Vi Đức Hồi phổ biến bài viết trên internet để vận động cho nhân quyền và thay đổi dân chủ được coi là một tội hình sự theo Điều 88 của Luật Hình Sự.

Ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc Vùng Á Châu của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền đã phát biểu là "Thật là vô lý khi ông Vi Đức Hồi bị bỏ tù ngày hôm nay chỉ vì đã phổ biến quan điểm của mình về nhân quyền và dân chủ. Chính phủ Việt Nam đã coi thường pháp luật khi bỏ tù những cựu cán bộ và đảng viên chỉ vì họ đã có những lời phê bình xây dựng".

Khi kết tội những người ôn hoà bất đồng quan điểm, Việt Nam đã vi phạm chính nghiã vụ của mình là một thành viên của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như chính Hiến Pháp của Việt Nam, cả hai đều bảo đảm quyền tự do phát biểu.

Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền cũng cho biết là lệnh toà án đưa ra trong buổi xử án Vi Đức Hồi vào Tháng 1, 2011 buộc Ông phải nộp khoản tiền 56.000.000 đồng ($2.800 Mỹ kim) mà họ nói là ông đã "nhận một cách bất hợp pháp" từ những tổ chức và những nhà tranh đấu cho nhân quyền ở hải ngoại, là hoàn toàn không có căn bản pháp lý. Khoản tiền nói trên bao gồm tiền thưởng của giải Hellman/Hammett năm 2009, là một giải thưởng được Tổ ChứcTheo Dõi Nhân Quyền trao hàng năm cho những nhà văn bị ngược đãi trên thế giới.

Ông Robertson nói "Giải thưởng Hellman/Hammett được trao cho ông Vi Đức Hồi để ghi nhận lòng dũng cảm của Ông là một người cầm bút bất chấp những sự đàn áp và sách nhiễu của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền Việt Nam đã nhân lên sự lạm dụng của họ khi cướp đoạt đi khoản tiền mà ông Hồi đã được trao tặng như là một sự ghi nhận việc Ông bị đàn áp bởi chính họ".

Không có điều luật nào cho phép phạt tiền liên quan đến Điều 88 của Luật Hình Sự.

Ông Vi Đức Hồi, 56 tuổi, là một nhà văn và dân báo tại tỉnh Lạng Sơn xa xôi phiá Bắc Việt Nam gần biên giới Trung Quốc. Ông là người sắc tộc Tầy, là sắc tộc thiểu số đông nhất Việt Nam. Những bài viết của Ông về dân chủ, đa nguyên và nhân quyền cũng như hồi ký Đối Mặt, Đường Đi Đến với Phong Trào Dân Chủ đã được phổ biến rộng rãi trên internet.

Vi Đức Hồi đã âm thầm hỗ trợ những lời kêu gọi tôn trọng nhân quyền và mở rộng dân chủ vào năm 2006 trong khi vẫn còn nắm giữ những vị trí quan trọng trong Đảng và guồng máy chính quyền ở Lạng Sơn. Ông từng là Chủ Tịch Ủy Ban Tuyên Truyền và thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Huyện Ủy Hữu Lũng. Sau khi thay đổi quan điểm Ông đã bị khai trừ khỏi Đảng, bị công khai đấu tố, và bị thẩm vấn và giam giữ. Sau đó Ông tham gia làm việc với tờ báo Tổ Quốc là tờ báo đối lập.

Vào Tháng 8, 2010, Vi Đức Hồi phổ biến một câu chuyện giả tưởng về cái chết thảm khốc của người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Văn Khương, đã chết sau khi bị bắt về đồn công an về tội vi phạm giao thông tại Bắc Giang vào Tháng 7, 2010. Câu chuyện này tả chi tiết - như vẻ là hư cấu - về việc công an đánh anh Khương tới chết. Thông tin về việc công an đánh chết anh Khương đã được phổ biến rộng rãi trên cả báo chí nhà nước và hải ngoại bởi các nhà dân báo độc lập và các tổ chức nhân quyền quốc tế, và đã gây nên một cuộc phản đối rộng rãi với nhiều ngàn dân chúng tham dự trong đám tang tại Bắc Giang.

Trong hồi ký Đối Mặt vào năm 2008, Vi Đức Hồi viết: "Cái mất mát lớn nhất của con người chính là mất đi quyền làm người; kẻ có tội lớn nhất là kẻ đi tước đoạt quyền con người; kẻ đáng thương nhất, là kẻ chưa hiểu biết về quyền con người; kẻ đáng trách nhất là kẻ quên đi quyền con người; kẻ hèn hạ nhất là kẻ cam chịu mất quyền con người.Tôi là kẻ đáng trách và cũng có lúc trở thành kẻ hèn hạ."

Trong năm qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp những nhà văn và dân báo đặt vấn đề về chính sách của nhà nước, tố cáo các cán bộ tham nhũng, hoặc kêu gọi dân chủ thay thế chế độ độc đảng. Các nhà văn, dân báo và những nhà đấu tranh mạng bị xâm nhập gia cư để theo dõi, bị giam giữ cách ly dài hạn mà không được tiếp xúc với luật sư, và bị kết tội với những bản án tù ngày một dài hạn hơn.

Ông Robertson nói: "Ông Vi Đức Hồi cũng như hàng chục những nhà văn, nhà dân báo khác xứng đáng để được đối xử tốt hơn. Hiện nay họ đang bị bỏ tù chỉ vì phát biểu quan điểm của mình về nhân quyền và việc quản trị đất nước. Khi Việt Nam tiếp tục bỏ tù những người ôn hoà bất đồng quan điểm thì thế giới cần xem lại xem Việt Nam có đáng tin tưởng khi họ cam kết điều gì với quốc tế hay không".

Muốn biết thêm về những tường trình của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền về Việt Nam, xin vào thăm trang mạng http://www.hrw.org/asia/vietnam

Hoặc liên lạc:

Tại Bangkok, Phil Robertson (English, Thai): +66-85-060-8406 (mobile)
Tại Washington, DC, Sophie Richardson (English, Mandarin): +1-202-612-4341; or +1-917-721-7473 (mobile)
Tại London, Brad Adams (English): +44-7908-728-333 (mobile)
Tại Brussels, Reed Brody (English, French, Portuguese, Spanish): +32-498-625786 (mobile)

Một số trích đoạn trong các bài viết của Vi Đức Hồi:

"Khi mà mình nhận ra, nhìn thấy những hành vi tội lỗi của người khác, mà không lên tiếng cảnh báo cho người đó dừng lại, hoặc cũng không báo cho mọi người biết để tránh; để đề phòng; để lên tiếng; để ngăn chặn… thì đó cũng là tội lỗi".

Nguồn: “Đối Mặt” 35, http://viduchoi.blogspot.com/2009/07/oi-mat-35-thay-loi-ket.html

"Thực tế là vậy, tôi chưa thấy ”đảng ta thiên tài, sáng suốt” ở chỗ nào mà chính hiện nay đảng đang là trở ngại, lực cản cho sự phát triển, đó là cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” và “tăng cường sự lãnh đạo của đảng”... chỉ mong đảng hãy tha cho dân lành,hãy để yên cho họ làm ăn, đừng lên mặt nữa, dân chịu nhiều khổ đau với đảng lắm rồi.


Từ những thực tế trên,tôi quyết định cần ly khai đảng. Tôi khẳng định: Tôi không phản bội đảng mà chính đảng đã phản bội tôi và nhân dân tôi. Nếu như đảng thực hiện đúng như cương lĩnh của đảng đề ra thì suốt đời tôi nguyện phụng sự đảng đến hơi thở cuối cùng.Tôi là người tự trọng, luôn tôn trọng sự thật, căm ghét giả rối, lừa gạt.


Quyết định của tôi là cả một quá trình nung nấu, cả một quá trình suy nghĩ, cân nhắc. Tôi chẳng có động cơ nào khác ngoài động cơ thấy mình cần phải bênh vực lẽ phải, bênh vực những người dân của tôi vì thế tôi quyết định những năm tháng còn lại của cuộc đời tôi, tôi phải làm điều gì đó dù là ít ỏi để rồi khi từ giã cõi đời này sẽ giảm bớt đi những ân hận./."

Nguồn: “Đối Mặt” 11, http://viduchoi.blogspot.com/2008/12/oi-mat-11.html

Monday, April 18, 2011

RFA – Phỏng vấn Bà Hoàng Thị Tươi, vợ nhà dân chủ Vi Đức Hồi

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2011-04-16

Vào ngày 26 tháng 4 Tòa án Nhân dân tỉnh Lạng Sơn sẽ mở phiên phúc thẩm để xem xét lại phán quyết của phiên xử sơ thẩm hồi tháng 1 năm 2011 đối với nhà hoạt động dân chủ Vi Đức Hồi bị bắt và bị cáo buộc tội tuyên truyền chống phá nhà nước từ tháng 10 năm ngoái.

Phóng viên Thanh Trúc của đài RFA vừa có cuộc phỏng vấn với Bà Hoàng Thị Tươi, vợ nhà dân chủ Vi Đức Hồi, được bà cho biết như sau.

Bà Hoàng Thị Tươi: Tin này là thông qua luật sư họ thông báo chứ còn hiện nay thì tôi cũng chưa nhận được một tin tức gì về phía chính quyền ạ.

Thanh Trúc: Thưa, cho đến giờ gia đình có gặp khó khăn nào không?

Bà Hoàng Thị Tươi: Nói chung là cũng có rất nhiều khó khăn, nhưng mà nó đã xảy ra như vậy rồi thì bản thân tôi cũng phải cố gắng vượt qua chứ cũng chả còn cách nào khác.

Tội chống Đảng, nói xấu Bác Hồ

Thanh Trúc: Thưa bà Hoàng Thị Tươi, gia đình có được đi thăm nuôi ông Vi Đức Hồi không? Và bà có được gặp mặt ông không?

Bà Hoàng Thị Tươi: Dạ, có. Trong thời gian bị giam giữ thì thường xuyên là mỗi tháng tôi đi tiếp tế cho nhà tôi một lần. Mỗi một lần được gặp khoảng một tiếng đồng hồ. Đã xử sơ thẩm vào ngày 26 tháng 1 năm 2011 rồi. Phiên xử đấy thì họ kết tội chồng tôi vi phạm tội danh vì viết một số bài viết chống lại Đảng, nhưng mà bản thân tôi thì tôi được công an đưa cho một số bài viết nói rằng đó là những bài viết mà chồng tôi nói nào là lên án Đảng, chống Đảng , vân vân… thì khi tôi đọc tôi cũng hiểu là thật ra cũng chẳng có gì để gọi là “chống”, mà chỉ mong muốn được như vậy chứ còn thực ra cũng chả có gì là “chống”, thế nhưng họ quy kết như vậy thì cũng phải chịu thôi chứ cũng chả làm thế nào được.

Phiên xử hôm đấy thì họ cũng nói rằng bài nói về Bác Hồ thì họ nói rằng chồng tôi nói xấu Bác Hồ; trước tòa chồng tôi cũng nói rằng chồng tôi không hề nói xấu Bác Hồ, không hề nhục mạ Bác Hồ, mà chỉ phê phán những người núp sau bóng của Bác Hồ thôi, nhưng họ hiểu khác đi, họ cứ cho là như vậy thì đấy là quyền của họ.

Khi bắt thì khám nhà chỉ có duy nhất một chiếc máy tính, thế mà họ kéo từ trên mạng xuống các bài viết và họ in ra, chứ còn khi khám xét gia đình thì không có một giấy tờ hay tài liệu gì hết trong nhà.

Thanh Trúc: Với phiên xử phúc thẩm này, Bà có hy vọng gì không?

Bà Hoàng Thị Tươi: Thực ra thì thấy một số phiên xử những người khác, tôi nghĩ rằng tội danh của chồng tôi thì không đến mức như vậy. Họ xử như thế nào thì có thể là phải chờ. Tôi cũng nghĩ rằng là có hy vọng bởi vì với lý do để mà đưa ra thì tôi thấy nó không được thuyết phục.

Chỉ có các bài viết mà những bài viết đã viết từ những năm 2007 – 2008 rồi, ngoài ra không có một lý do gì khác, bởi vì họ tuyên trước tòa như vậy mà họ đưa cái mức đến 8 năm tù thì tôi nghĩ rằng là phiên xử tới thì có thể là họ sẽ giảm chăng? Thế nhưng mà một số anh em bạn bè thì cũng nói rằng đấy là mình nghĩ như vậy mà tội danh của anh thì không đến mức như thế, nhưng mà cũng không thể lường được, bởi vì chồng tôi là một người dân tộc ở miền núi, có thể phải chăng là họ nghĩ rằng người dân tộc miền núi không hiểu biết gì, họ muốn chèn ép như thế nào cũng phải chịu đựng, hay là họ muốn làm cách nào thì cũng phải chấp nhận vì quyền lực ở trong tay họ, thì cũng chẳng còn cách nào khác. Nếu phải như vậy thì chắc là cũng phải chấp nhận chứ không còn cách nào khác.

Thanh Trúc: Thưa, đợt thăm nuôi vừa rồi gần nhất mới đây mà bà được gặp ông Vi Đức Hồi là vào ngày nào?

Bà Hoàng Thị Tươi: Gần đây nhất là tôi đi thăm vào đầu tuần, Thứ Hai đầu tuần vừa rồi.

Thanh Trúc: Bà thấy tình trạng sức khỏe của ông như thế nào? Nhất là về mặt tinh thần ông Vi Đức Hồi như thế nào?

Bà Hoàng Thị Tươi: Dạ, về mặt tinh thần thì chồng tôi cũng rất là thoải mái, không có vấn đề gì. Và anh gửi lời hỏi thăm tất cả bạn bè, nói rằng tinh thần của anh vững vàng, không có gì thay đổi, bởi vì các việc làm của anh thì anh cảm thấy không có gì để xấu hổ, cũng như không có gì là vi phạm đạo đức. Chỉ có những người giải quyết việc này không thấu đáo thì người ta sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn. Còn nếu mà họ cố tình xử bao nhiêu năm tù thì anh cũng có thể ở tù được chứ không có vấn đề gì.

Về sức khỏe thì hai tuần vừa rồi sức khỏe chồng tôi không được tốt. Anh đã bị ốm (bệnh) và bị thoái hóa đốt sống cổ do đó ảnh hưởng đến dây thần kinh và choáng. Hiện tại là đang điều trị thuốc tây. Anh phải nộp tiền để họ đi mua thuốc cho, nên tháng vừa rồi tôi cũng phải tiếp tế thêm tiền để chồng tôi được điều trị.

Thanh Trúc: Bà dự kiến phiên tòa phúc thẩm sắp tới đây là một phiên tòa mở ra cho báo chí hay là một phiên tòa xử đóng cửa?

Bà Hoàng Thị Tươi: Lần này tôi vẫn mời ông Luật sư Trần Lâm giúp đỡ. Còn phiên phúc thẩm tôi nghĩ rằng họ sẽ lại xử kín chứ họ không công khai như là họ quảng cáo đâu. Họ nói là “xét xử công khai” nhưng mà không hề công khai tí nào.

Thanh Trúc: Bà còn có điều gì để bày tỏ nữa không?

Bà Hoàng Thị Tươi: Để mà bày tỏ thì rất là nhiều. Có một điều tôi muốn nói tức là trong phiên xử sơ thẩm đấy tòa họ cũng đưa ra một lời phán quyết cuối cùng là chồng tôi có tội chống phá nhà nước vì các bài viết như vậy. Thêm vào là họ truy thu số tiền mà chồng tôi được Giải Thưởng Nhân Quyền hai năm trước. Thêm vào có một chút ít, cũng không nhiều, của anh em bạn bè trong nước và ngoài nước gửi quà thăm cháu, tức là gửi quà cho con tôi trong dịp Tết lễ, thế và họ truy thu một số tiền mà anh em bạn bè gửi thông qua chồng tôi để nhờ chuyển tới cho thân nhân những gia đình có chồng bị đi tù, trong đó thì họ có trích một chút để làm phí cho chồng tôi đi lại hoặc là gửi bưu điện, thì họ cũng truy thu tổng cộng là 56 triệu đồng.

Khi xử thì lại không hề nói là truy thu gì đến số tiền đó nhưng mà riêng chồng tôi phải chăng là người miền núi dân tộc cho nên là họ nghĩ rằng không biết gì hay là ở vùng xa xôi, không gần trung tâm thủ đô, thì chèn ép như thế nào đó, cho nên họ làm như vậy thì tôi nghĩ rằng về điều đó tôi mong rằng anh em bạn bè xa gần hãy có tiếng nói giúp đỡ trong việc đó để xem là họ làm như vậy là có đúng không?

Thanh Trúc: Thưa bà Hoàng Thị Tươi, xin cảm ơn thời giờ của bà đã dành để trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Cầu chúc cho ông nhà được mọi điều tốt lành.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interview-vi-duc-hois-wife-ttruc-04162011162637.html

Vi Đức Hồi, một tấm lòng với tổ quốc Việt Nam

Nguyễn Văn Hiệp



Viết về anh Hồi là điều tôi muốn làm, ngay từ ngày anh bị bắt, nhưng cứ ngần ngại. Sự ngần ngại cũng đã từng có những lý do có vẻ chính đáng, nhưng rồi tôi đã thực sự thấy rằng mình vừa sai vừa ấu trĩ khi sự ngần ngại lại vin vào những lý do tưởng chừng chính đáng ấy. Trước hết là sự liên lụy có thể xảy đến cho anh, thí dụ như anh có thể bị cáo buộc là có quan hệ với một "phần tử phản động ở nước ngoài" chẳng hạn, nhưng như thế thì thật quá khiếp nhược. 

Tại sao mối quan hệ giữa những người Việt Nam với nhau cùng chia sẻ quan tâm trước các vấn đề đất nước lại có thể là một tội? Ngay cả dù nếu đó là những nguyện vọng muốn thay đổi chế độ đi nữa, nó không thể là một tội mà trái lại phải được xem là một điều hết sức bình thường. Ở các nước bình thường với những chính quyền bình thường thì mọi ý chí muốn thay đổi chính quyền một cách hòa bình là một quyền công dân phải được tôn trọng, ngay cả nếu chính quyền đang có là một chính quyền lành mạnh. Ở Việt Nam thì chính quyền liên tiếp phạm sai lầm, và thực ra không thể không sai phạm vì sự hoại loạn đã nằm ngay từ trong cái gốc, tức là ngay trong chế độ chính trị. Cũng cần khẳng định một lần nữa những liên hệ giữa những người Việt Nam trong và ngoài nước với nhau hoàn toàn không thể là một điều cấm kỵ. Đất nước Việt Nam là tài sản, là tình cảm chung, là một dự án tương lai chung. Và mọi người dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, dù đang mang quốc tịch nào nếu thực sự còn quan tâm tới vận mệnh, sự tồn vong của đất nước và dân tộc thì vẫn là những người Việt Nam đích thực, họ có đầy đủ quyền và trách nhiệm; cần thẳng thắn bác bỏ cái lập luận cho rằng người ở nước ngoài không có tính chính danh để quan tâm tới các vấn đề của đất nước Việt Nam. Ngược lại một người dù đang sinh sống trên đất nước Việt Nam nhưng lại thờ ơ với cái trở thành của cộng đồng quốc gia, chưa kể nếu hành động ngược lại lợi ích chung, gieo mầm di hại cho tương lai của đất nước thì cũng không có tư cách làm một người Việt Nam.

Tôi đã muốn viết về anh Vi Đức Hồi bởi vì phải thẳng thắn mà nói khi đứng trước một nhân cách đáng quý như thế, đặc biệt trong thời buổi nhiễu nhương của xã hội Việt Nam ngày hôm nay, được viết về anh là một niềm hãnh diện. Nhưng cũng phải thành thực mà nói, để viết về anh Hồi cho đầy đủ thì đó quả là một điều nằm ngoài sự ôm đồm có thể có được đối với tôi. Những dòng chia sẻ ở đây chỉ xuất phát từ góc độ tiếp cận cá nhân giới hạn. Phải nói ngay tôi luôn rất hãnh diện được vừa là đồng nghiệp vừa là chí hữu của anh hơn bốn năm trong tờ bán nguyệt san Tổ Quốc, cùng chia sẻ với anh nhiều trăn trở về đất nước Việt Nam. Viết về anh lúc này trước hết là do sự thôi thúc của một nghĩa vụ. 

Anh Vi Đức Hồi đã bị tuyên phạt một bản án nặng một cách tàn bạo trên một bản cáo trạng quá sơ sài, sơ sài đến nỗi mọi người đều đã phỏng đoán nó chuẩn bị cho một bản án trắng. Nhưng rồi chính quyền toàn trị vẫn tiếp tục dùng luật pháp như một dụng cụ khủng bố theo đúng bài bản Lênin, do quyết định vào phút chót của những người lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính Trị. Bản án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế trong một phiên tòa chớp nhoáng ở Lạng Sơn không thể có lý giải nào khác hơn đó là một phản ứng sợ sệt của kẻ cầm quyền mất trí khi đối mặt với tâm thế sừng sững của Vi Đức Hồi. Anh Hồi không hề sai khi ngay sau phiên tòa anh bình tĩnh và ân cần nói với chị Tươi, người vợ đồng cam cộng khổ với lý tưởng dân chủ của anh: “Họ xử anh như thế là họ đang tạc tượng anh đấy. Em hãy giữ gìn sức khỏe để lo cho con”. Đúng là bản án trắng trợn và độc ác đó đã có một tác dụng dựng vững một ngọn hải đăng mới cho con tàu dân chủ Việt Nam. 

Một "ngọn hải đăng mới cho con tàu dân chủ Việt Nam"? Nói như thế có sợ bị cho là cường điệu không? Tôi không hề lo ngại, bởi vì tôi thành thực nghĩ anh là một mẫu mực trong cuộc vận động dân chủ. Tuy chưa hề được gặp mặt, nhưng trong một khoảng thời gian không ngắn nhờ phương tiện truyền thông hiện đại tôi đã có nhiều cơ hội trò chuyện, trao đổi thân tình với anh trên nhiều vấn đề. Tất cả đã để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc về con người, về nhân cách lớn của anh.

Trước hết phải nhấn mạnh tới vị thế mà anh Vi Đức Hồi đang có trong xã hội và trong hệ thống chính trị của đảng cộng sản trước khi anh quyết định đến với lý tưởng dân chủ. Anh mới ngoài năm mươi, đang ở độ tuổi sung mãn, lại đang giữ địa vị giám đốc trường đảng Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Với bản lãnh và khả năng rất cao của anh, Vi Đức Hồi có thể dễ dàng vươn tới nắm những chức vụ cao nhất trong guồng máy của đảng cộng sản. Nhưng lương tâm của anh không cho phép làm những điều mà rất nhiều đảng viên cộng sản đang làm: cứ nhắm mắt, chai lì vô cảm trước các vấn đề nhiễu nhương của xã hội đang diễn ra hàng ngày để luồn lách tiến thân. Đối với anh Hồi, sau những cọ xát với những vấn đề của thực tiễn xã hội, qua thời gian tiếp xúc với những thông tin đứng đắn về dân chủ, trong anh đã hình thành một cơ sở lý luận dân chủ vững chắc. Nhưng phần quan trọng không kém đó chính là cái niềm tin trong sáng, mãnh liệt vào những giá trị chân chính của thời đại, niềm tin vào những quyền con người rất phổ cập và thiêng liêng mà cộng đồng dân tộc phải xứng đáng được hưởng. Chúng chính là những động lực khiến anh thản nhiên từ bỏ những quyền lợi mà nhiều người đang mơ ước. Anh đã dấn thân cho nỗ lực dân chủ hoá Việt Nam, đã an nhiên chờ đợi những oan nghiệt phải xảy đến.

Chính quyền toàn trị đã phản ứng vì run sợ trước những người đấu tranh có bản lĩnh như anh Vi Đức Hồi. Đây là một điểm sáng đáng khâm phục trong con người của anh. Anh Vi Đức Hồi có một bề dày kinh nghiệm chính trị đĩnh đạc, tên tuổi của anh càng ngày càng được nhiều người biết đến, trong nước và trên trường quốc tế, anh luôn có thể chọn lựa đấu tranh chính trị kiểu nhân sĩ gây tiếng vang cho tên tuổi mình, vừa an toàn vừa dễ nổi tiếng và được nhiều người tung hô. Nhưng Vi Đức Hồi không như thế. Anh hiều rằng đấu tranh chính trị không bao giờ có thể là đấu tranh cá nhân. Anh đã đấu tranh một cách mà anh thừa biết là vừa không ầm ĩ vừa nguy hiểm. Một cung cách đấu tranh đứng đắn và lương thiện. Anh tìm đến với những người dân chủ khác như cụ Hoàng Minh Chính trước đây, ông Nguyễn Thanh Giang, linh mục Nguyễn Văn Lý, anh em ban biên tập báo Tổ Quốc. Anh tìm đến với họ để đóng góp cho cuộc vận động dân chủ một cách khiêm tốn. Anh không hề có tham vọng chính trị cá nhân. Thái độ của anh đã bác bỏ một cách thuyết phục lập luận thường thấy, đó là "Tôi không có tham vọng chính trị nên không cần hợp tác với ai hay đứng trong một tổ chức chính trị nào cả, tôi chỉ cần đứng đấu tranh chính trị đơn lẻ là đủ". Quả thực nguyên tắc bó đũa tưởng chừng hiển nhiên nhưng dường như không phải ai cũng muốn nhìn thấy. Có lần anh Hồi đã nói với tôi "Nếu bây giờ ngay cả anh có tuyên bố anh là thành viên của đảng Việt Tân đi nữa thì họ cũng không có quyền làm gì anh". Anh nói đúng, tự do kết hợp, quyền thành lập và tham gia hội đoàn, là một quyền con người căn bản được xác định trong hiến chương Liên Hiệp Quốc và cũng được công nhận trong văn bản cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Cuối cùng thì bạo quyền đã bắt anh mà không cần lý do gì cả. Họ cầm tù anh chỉ vì lo sợ anh. 

Chính quyền toàn trị mong dùng tù ngục hòng để khuất phục ý chí của anh Vi Đức Hồi, nhưng họ hoàn toàn sai lầm. Công cụ bạo lực lao tù chỉ phô bày sự bỉ ổi chứ chẳng thu phục được ai khi dựa trên một phán quyết tuyệt đối phi nghĩa. Gông cùm không thể giam hãm tâm thế sừng sững của anh. Bản án tám năm dành cho anh chẳng qua là một hành vi tuyệt vọng của chế độ đang cố từng ngày đếm những ngày tháng còn lại trên đầu ngón tay. Nhưng nó chỉ là một liều thuốc vô hiệu đối với một con bệnh đang hấp hối như cái chế độ mục ruỗng này. Nó chỉ khiến chế độ bị thù ghét hơn, bị cô lập hơn và gục ngã nhanh chóng hơn.

Thái độ của anh, tinh thần của anh, tầng văn hóa của anh đang làm nên ngọn hải đăng dân chủ. Nó đang chiếu sáng dù thân xác anh đang bị giam hãm trong tù ngục. Chắc chắn phong trào dân chủ Việt Nam sẽ ngày càng có thêm nhiều Vi Đức Hồi khác, tạo nên cụm hải đăng ngày càng tỏa sáng cho con tàu dân chủ Việt Nam.

Nếu không có một tấm lòng nhân bản để tôn vinh những giá trị phổ quát của con người, nếu không có một tấm lòng da diết với dân tộc và tổ quốc Việt Nam thì không thể có được một Vi Đức Hồi với một thái độ, một tinh thần, và một tầng văn hóa đấu tranh như thế.

Làn sóng dân chủ mới đang dồn dập tràn qua khắp địa cầu. Dân tộc đang đứng bên anh. Anh sẽ lấy lại được tự do trong vinh quang, anh Hồi ạ.
Nguyễn Văn Hiệp
Nguồn: báo Tổ Quốc số 108, ngày 01/04/2011



Tuesday, February 15, 2011

Lại thêm một người mà CSVN sợ: Ông Vi Đức Hồi

Ngày 26 tháng giêng vừa qua, trong một phiên toà gọn nhẹ, Tòa án tỉnh Lạng Sơn vừa tuyên án tám năm tù giam và 5 năm quản chế tại địa phương cho nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN, theo Điều 88 Luật Hình sự. Bản án trên được xem là khá nặng so với phán quyết đối với các nhà bất đông chính kiến khác qua các phiên xử trước đây, đến nỗi, theo lời của luật sư Trần Lâm biện hộ cho ông nói với đài BBC, bên công tố cũng ngạc nhiên. Nhưng theo luật sư Lâm, sau khi nghe tuyên án, ông Hồi tỏ ra "rất bình thản, chịu đựng" và đã quyết định sẽ kháng án.

Ông Vi Đức Hồi, 56 tuổi, gia nhập Đảng Cộng sản năm 1980 và từng là Giám đốc trường Đảng huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Từ năm 2006, ông Hồi bắt đầu viết nhiều bài báo phê phán Đảng CSVN, chống tham nhũng và bất công xã hội, cảnh báo hiểm họa mất đất mất biển vào tay Trung Quốc, và đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam. Ban đầu ông dùng bút danh, sau đó dùng tên thật khi ông bị khai trừ khỏi đảng năm 2007. Ông cũng là thành viên của Khối 8406 và đã nhiều lần bị đưa ra "đấu tố" ở địa phương, và vợ của ông cũng bị khai trừ khỏi đảng vì không chịu lên án chồng.

Ông được trao giải Hellman/Hammett năm 2009 của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch vì các đóng góp trong việc "thúc đẩy tự do ngôn luận".

Ông Vi Đức Hồi bị bắt hôm 27/10/2010 tại tư gia và tới nay gần hêt thời hạn tạm giam mới được mang ra xử. Cho tới khi ra tòa, ông bị giam ở trại Yên Trạch, tỉnh Lạng Sơn. Trước đó, theo anh Ngô Quỳnh, hiện đang ngồi tù, thuật lại thì chế độ đã hầu như giam giữ ông Vi Đức Hồi tại nhà từ mấy năm trước chứ không phải chỉ gần đây.

Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Vi Đức Hồi lại bị CSVN tuyên án một cách nặng nề hơn những người khác từng bị ghép cùng tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN, theo điều luật 88? Điều luật 88 này vốn đã là một điều luật vô lý chỉ thấy ở chế độ độc tài tùy tiện diễn dịch mọi bài viết về chính trị và sẵn sàng dùng nó để bóp nghẹn mọi ý kiến nghịch nhĩ với kẻ cầm quyền.

Cũng cùng tội danh tượng tự, mười một tháng trước đây, nhà đấu tranh Trần Huỳnh Duy Thức đã bị toà án CSVN kết án 16 năm tù, trong khi những nguời khác trong cùng vụ án như luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, lãnh mức án từ 5 đến 7 năm tù. Lúc đó dư luận đã nhận ra ngay bản án dành cho anh Trần Huỳnh Duy Thức chỉ là một trò trả thù hèn hạ của hệ thống tư pháp CSVN, vì anh Thức đã có thái độ phản đối tại toà, khi phản bác cáo trạng và yêu cầu thay đổi Hội đồng xét xử, với lý do bị nhục hình trong thời gian tạm giam điều tra. Lần này bản án nặng nề dành cho ông Vi Đức Hồi hẳn nhiên cũng có lý do không bình thường của nó.

Bản án trên được đưa ra một tuần sau khi CSVN đã bế mạc Đại Hội Đảng . Có người nghĩ rằng nếu trước Đại Hội Đảng, nhà nước CSVN thẳng tay đàn áp các tiếng nói đối kháng để Đảng được yên ổn họp đại hội, thì sau Đại Hội rồi, hy vọng Đảng sẽ nới tay hơn. Nhưng thực tế đã không phải vậy qua bản án. Điều này khiến người ta có thể đưa ra một số giả thiết lý giải sau:

Với ông Tổng Bí Thư mới là Nguyễn Phú Trọng, một người được đánh giá là thân Tàu qua các thái độ và tư tưởng bộc lộ ra từ trước, phải chăng bản án là một món quà nhỏ của ban lãnh đạo mới ra mắt thiên triều Bắc Kinh của ông Tổng Bí Thư, khi kết án thật nặng một người từng cảnh báo về hiểm họa mất đất biển vào tay nước Tàu và người này lại ở ngay vùng Lạng Sơn biên giới sát nách Tàu?

Hoặc là sau khi Đảng CS đã tái khẳng định vị trí độc tôn lãnh đạo đất nước và dân tộc và sau khi các đấu đá tranh giành quyền lực đã được dàn xếp chia chác ổn thỏa trong cung đình, giờ Đảng thẳng tay đập nặng cựu đồng chí cấp nhỏ của mình để răn đe cấp dưới , xiết chặt lại hang ngũ nội bộ để chặn ngừa tiến trình tự diễn biến trong Đảng?

Khi kết án nặng ông Vi Đức Hồi so với những người khác cùng tội danh, CSVN chắc hẳn đã đánh giá ông Hồi là một người nguy hiểm cho họ. Có lẽ vì ông đã từng ở trong chăn với họ nên thấy rõ rận hơn người dân bình thường, và nhất là khi ông đã từng là giám đốc một trường Đảng như đã đề cập ở phần đầu. Một người từng huấn luyện người khác về con đường Mác-Lê mà nay còn phải lên tiếng đó là con đường ảo tưởng, vô vọng, và bị lạm dụng, thì tất nhiên Đảng CSVN phải lo ngại ảnh hưởng của người này lên các đảng viên khác; dù rằng ông Vi Đức Hồi tầm cỡ không bằng các cựu đảng viên chuyên gia về tư tưởng như cựu giám đốc trường đảng Hoàng Minh Chính, cựu trưởng ban văn hóa tư tưởng trung ương Trần Độ, mà họ cũng đã từng cô lập, cách ly, trù dập khi hai người này còn sống.

Thay vì đối chất tranh luận để chứng tỏ ông Vi Đức Hồi sai, và thuyết phục đảng viên còn lại tin vào con đường chính nghĩa của Đảng, CSVN lại dùng bạo lực chuyên chế để bịt miệng người bất đồng chính kiến; điều này cho thấy Đảng CSVN đang sợ phải đối diện với sự thật là mình không còn đủ lý lẽ để tự biện minh cho mình. Và khi họ càng trù dập và kết án nặng một cách thái quá vô lý, thì họ càng để lộ ra nỗi lo sợ của mình.

Trong khi đó theo luật sư Trần Lâm đã nhận xét ở trên, ông Vi Đức Hồi đã tỏ ra rất bình thản trước bản án mặc dù không chấp nhận nó và dự định kháng án. Phải chăng đó là sự bình thản của một người đã biết rõ nên chẳng còn ngạc nhiên trước những điều vô lý của Đảng CS, và sự bình thản của một người đã hết sợ bạo lực, đang tự tin vào con đường mình đang đi là đúng, ngược lại với Đảng CSVN?

---oOo---

Để tìm hiểu thêm những suy tư và quan điểm của nhà dân chủ can đảm này, mời quí độc giả ghé đến ViDucHoi.blogspot.com

Văn Chu

Sunday, January 23, 2011

CSVN sắp sửa đưa nhà tranh đấu nhân quyền Vi Đức Hồi ra tòa

Frontline

Việc xử án nhà đấu tranh nhân quyền Vi Đức Hồi đã được ấn định diễn ra vào ngày 26 Tháng 1 năm 2011 tại Lạng Sơn, với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước Xã Hội Chủ Nghiã". Ông Vi Đức Hồi là một nhà đấu tranh dân chủ và là thành viên của Khối 8406, một mạng lưới tranh đấu cho dân chủ của một số nhà tranh đấu nhân quyền và tổ chức, được ra đời vào năm 2006 với một bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam. Vào năm 2009, Vi Đức Hồi được trao giải nhân quyền Hellman/ Hammett của tổ chức Human Rights Watch.

Vi Đức Hồi hiện đang bị giam chờ ngày xử với tội danh vi phạm Điều 88 của Luật Hình Sự. Ông bị bắt vào ngày 27/10/2010 và bị tạm giam 4 tháng. Trước khi bắt Ông, công an đã lục soát nhà Ông vào ngày 7/10/2010. Vào thời gian đó Ông đã bị bắt giữ và thẩm tra trong suốt một tuần lễ.

Vi Đức Hồi là một đảng viên Đảng Cộng Sản từ năm 1980 tới năm 2007 và đã giữ những chức vụ như Giám Đốc Trường Đảng tại Huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Huyện Ủy; Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục và Tuyên Truyền Huyện. Một ngày sau khi Ông đệ đơn từ chức vào ngày 1/5/2007, một cán bộ của Đảng đã ban hành nghị quyết số 388-QĐ/TƯ, theo đó Đảng "cần phải có biện pháp kỷ luật đối với đồng chí Vi Đức Hồi [...] và khai trừ khỏi Đảng". Trước đó Vi Đức Hồi đã bị bắt vào Tháng 4/2008 vì đã tham gia cuộc biểu tình chống Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh tại Việt Nam. Vào ngày 12/6/2008, trong một buổi họp của Đảng Cộng Sản, Vi Đức Hồi đã bị công khai tố giác, kết tội và bị đe dọa đuổi ra khỏi tỉnh nhà. Vợ của Ông bị khai trừ khỏi Đảng vì đã "không có khả năng giáo dục chồng". Kể từ khi gia nhập Khối 8406 Vi Đức Hồi đã bị cắt bỏ bảo hiểm y tế và tiền trợ cấp.

Front Line tin rằng tội danh gán ghép cho ông Vi Đức Hồi, cũng như việc sách nhiễu gia đình Ông, là hệ quả trực tiếp của việc làm ôn hòa và chính đáng của một người đấu tranh dân chủ và bảo vệ quyền làm người. Front Line nhận thấy đây là một phần của một chuỗi dài liên tục sách nhiễu những nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.

Front Line rất quan tâm về sự vẹn toàn thể chất và tinh thần của Vi Đức Hồi cũng như toàn thể những nhà đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam khi họ bị giam giữ.

Front Line khẩn thiết yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam:

1. Hãy lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Vi Đức Hồi, vì chúng tôi tin rằng những việc làm của Vi Đức Hồi để bảo vệ nhân quyền là hợp pháp và ôn hoà.

2. Hãy lấy mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm sự vẹn toàn thể chất và tinh thần của Vi Đức Hồi, và bảo đảm là việc đối xử khi giam giữ Ông phù hợp với những tiêu chuẩn được quy định bởi Nghị Quyết 45/111 về Những Nguyên Tắc Căn Bản Về Việc Đối Xử Với Tù Nhân được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 14/12/1990.

3. Hãy bảo đảm là trong mọi trường hợp các nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam có thể tiến hành những sinh hoạt nhân quyền hợp pháp mà không sợ bị trả thù, và không bị bất cứ giới hạn nào kể cả việc sách nhiễu bằng luật pháp.

Nguồn: http://www.frontlinedefenders.org/node/14290

Sunday, October 31, 2010

Bất đồng chính kiến bị "hành hung"

Một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội nói với BBC Việt Ngữ rằng ông bị các "phần tử đầu gấu hành hung" trong lúc công an tỉnh Lạng Sơn yêu cầu xuất trình giấy tờ và đưa ông lên đồn chỉ vì ông tới thăm một cựu đảng viên cộng sản tại tỉnh này.

Ông Nguyễn Phương Anh và một vài người bạn vào hôm thứ Ba 30/10/2007 từ Hà Nội đi đến huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn để thăm ông Vi Đức Hồi, nguyên là giám đốc trường đảng huyện Hữu Lũng.

Tin cho hay ông Hồi gần đây bị khai trừ khỏi đảng vì viết bài cổ vũ dân chủ.

Ông Hồi cho BBC biết rằng: "Hiện tôi đang bị quản thúc. Bên cạnh nhà tôi có một chiến sỹ an ninh tỉnh làm nhiệm vụ quản thúc tôi được một tháng qua".

Lời kể của chủ nhà

Ông Vi Đức Hồi kể lại rằng "Phương Anh và bốn anh em nữa đến nhà tôi và khi chúng tôi vừa uống nước và nói chuyện được một lúc thì có ba công an khu vực tới cùng với một bác trưởng thôn.

Các anh công an nói có nguồn tin nói xe của anh Phương Anh "bị va quệt trên đường về đây". Do đó họ yêu cầu mọi người cho kiểm tra giấy tờ tùy thân.

Phương Anh và mấy anh em bất bình phản đối. Họ nói họ không làm gì vi phạm pháp luật mà các anh công an vào nhà anh Hồi yêu cầu xuất trình giấy tờ là vi phạm pháp luật và nhân quyền.

Sau đó các công an này lập biên bản và bắt mọi người ký nhưng không ai ký và khi được yêu cầu về ủy ban nhân dân thị trấn thì cũng không ai chịu đi".

"Quần chúng lạ mặt"

Ông Vi Đức Hồi cho biết thêm "sau khi các nhân viên an ninh liên lạc với cấp trên của họ bằng điện thoại thì có thêm nhiều công an được tăng cường tới nhà tôi và dân chúng cũng như người đi đường kéo tới sân nhà tôi khá đông.

"Trong số những người này có một số người lạ mặt và thậm chí có người cởi trần xông vào nhà tôi và chửi Phương Anh là "Tên xúc phạm đảng và nhà nước" và là "Tên bán nước".

"Và một lúc sau bốn người bạn đi cùng Phương Anh đã lên đồn công an làm việc trong khi Phương Anh không chịu đi.

"Sau đó những "quần chúng lạ mặt" này đã vào nhà tôi và kéo Phương Anh ra sân và đánh anh vào mặt và vào đầu'.

"Tôi cho rằng việc công an ập đến nhà tôi đòi kiểm tra giấy tờ của bạn tôi như vậy rõ ràng là việc làm vi phạm pháp luật".

( trích nguồn BBC )

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/10/071031_vietdissident.shtm

Wednesday, October 6, 2010

Đỗ Hiếu (RFA) phỏng vấn Vi Đức Hồi



Ngày 27/10, Ông Vi Đức Hồi, nguyên giám đốc Trường Đảng ở huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn, cũng bị công an đến tìm và đọc lệnh tạm giam 4 tháng.

Chống phá nhà nước?

Lệnh tạm giam có hiệu lực kể từ 5 giờ chiều ngày Thứ Tư 27/10/2010. Vợ của ông Vi Đức Hồi cho biết công an đến trường, nơi bà đang dạy học, yêu cầu bà về nhà vì công an tỉnh đang làm việc với ông. Về tới nhà thì bà thấy công an đang đọc lệnh bắt và chồng bà đã bị khóa tay. Ông Hồi cho biết có lệnh tạm giam 4 tháng ở trụ sở công an tỉnh. Bà nói, ông bị bắt về tội "chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa".

Cách đây hơn nửa tháng, khoảng 20 công an đến nhà ông khám xét, sao chép nhiều bài viết của ông trong máy điện toán ở tại nhà và hẹn ông đến đồn làm việc. Chiều ngày 6 tháng 10 ông lên gặp công an và thuật lại nội dung buổi thẩm vấn với Đài chúng tôi như sau:

Đỗ Hiếu: Thưa ông Vi Đức Hồi, chúng tôi mới có thông tin là ông đang gặp khó khăn với chính quyền địa phương thì ông có thể cho biết thêm chi tiết về việc này không ạ?

Sunday, October 3, 2010

Chuyện 4: Nể dâm

Giữa buổi sáng, ở một làng quê không gian tĩnh mịch bởi mọi người đang mải mê công việc đồng áng,những đứa trẻ hội tụ đến trường. Làng chỉ còn lại các ông bà già đã hết tuổi lao động, cùng mấy cháu nhỏ chưa đi mẫu giáo và vài ba chị ở cữ.Bỗng ở đầu làng có tiếng hô hoán:
- Bắt lấy nó!bắt nó lại!
Nghe ra đó là tiếng của anh con trai cả của bà Mãn, nhà đầu làng. Ai nấy đều nghĩ: có trộm. Mọi người tức tốc chạy đến hòng bủa vây bắt kẻ gian. Đến nơi, kẻ gian đã bị mấy anh em con nhà bà Mãn trói cánh khỉ vào cột chăng dây phơi quần áo trước sân nhà.
- Trời ạ, ông Lang! Mọi người ngạc nhiên thốt lên.
- Làm sao đến nông nỗi này? Một người rất thân quen với ông lang hỏi.
Ông gằm mặt xuống không nói không rằng. Dân làng ở đây chẳng biết chính xác quê ông ở đâu, tên thật ông là gì, ông bao nhiêu tuổi. Mọi người cứ quen gọi: ông Lang, vì ông làm nghề bắt mạch bốc thuốc. Có người khen, cũng có người chê bai về tay nghề chẩn đoán bệnh và bốc thuốc chữa trị của ông. Ông đi khắp mọi nơi, nay đây, mai đó. Ông qua lại cái làng này đã hơn chục năm nay. Ông cũng được tiếng là người tử tế vì ông chẳng nhặt nhãnh của ai từ mũi kim đến sợi chỉ. Nhiều người quý ông, chẳng có ai phàn nàn hoặc thù ghét ông. Vậy mà hôm nay ông bị mấy anh em con nhà bà Mãn này trói gô lại, hẳn là có chuyện tày trời. Mọi người kéo đến mỗi lúc một đông. Rồi cả trưởng thôn cũng có mặt vì sự việc xảy ra trong địa bàn mình quản lý. Trưởng thôn sốt sắng hỏi anh con trai cả bà Mãn:

Wednesday, September 22, 2010

Chuyện để ngẫm - Chuyện 2: Treo cờ

Bỗng dưng ở cái phố chợ thị tứ (cấp dưới thị trấn) của tôi hôm nay nhiều nhà dựng cờ đỏ sao vàng trước nhà, làm nhiều người qua lại ngạc nhiên. Mấy người khách đi đường vào quán giải khát kháo nhau rồi hỏi chủ quán:

- Ngày gì mà cắm cờ la liệt thế hả bà?

-Ừ, tôi cũng thấy lạ, phải hỏi cán bộ ở đây thì mới biết được!

Lát sau một tốp thanh niên mặc áo màu xanh, loại đồng phục của đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, người vác thang người ôm băng rôn đỏ rực, léo nhéo chỉ trỏ rồi bắc thang leo lên cổng nhà văn hoá thôn trương lên một biểu ngữ:

Nhiệt liệt chào mừng đại hội chi bộ đảng thôn...!


Ra thế!

Friday, September 17, 2010

Chuyện để ngẫm - Chuyện 1: Cổ Động

Đấy là một trường tiểu học thuộc xã vùng cao ở tỉnh miền núi phía bắc. Trường được cắm trên một triền đồi nơi trung tâm xã, thuận tiện cho các em nhỏ cắp sách đến trường. Trước đây, ngôi trường được gọi trường cấp một của xã. Thời đó học sinh học cấp một đã lớn tuổi, nhỏ nhất là chín, mười tuổi, lớn đã là mười ba, mười bốn. Với lại thời buổi khó khăn nên không có chuyện đưa đón con em đến trường. Từ ngày thực hiện cải cách giáo dục, trẻ em đến trường đúng độ tuổi, nên tuyệt đại đa số các em đến trường phụ huynh phải đưa đón.

Mái trường hôm nay nhộn nhịp khác thường: cờ rông, trống nổi từ sáng sớm. Em nào cũng khoác trên vai chiếc khăn quàng đỏ rực rỡ, tíu tít rảo bước đến trường. Tiếng còi rít lên, từng hàng dọc xếp thẳng tắp, cô giáo phó hiệu trưởng quán triệt:

- Hôm nay toàn trường chúng ta tổ chức đường cổ động cho cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Trước khi xuống đường, chúng ta tập hô thử: các em chú ý, khi thầy giáo hô dứt điểm, các em đồng thanh hô ngay, hô khoẻ, to, dứt khoát, thể hiện tính cổ động cho ngày hội lớn của đất nước ta. Các em nghe rõ chưa?

Saturday, August 7, 2010

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (9)

Cỗ xe tang đã tiến vào thành phố với tốc độ nhanh hơn, náo nhiệt hơn. Mọi người hối hả tiến bước trên chặng đường còn lại. Cả dòng người cuồn cuộn, mồ hôi đầm đìa bởi cuộc hành quân đến chục cây số dưới tiết trời oi bức. Quan đồn trưởng tỉnh đứng ngồi không yên, đi đi lại lại trong phòng làm việc tìm kế sách đối phó. Tiếp tục biện pháp chặn chúng lại, xuống thang, tìm cách đàm phán với bọn chúng. Ông ta tự nhủ rồi ra lệnh cho hạ cấp huy động toàn bộ số quân lính đang thường trực tại đồn đến chặn đoàn người đã tiến vào thành phố. Một toán quan lính mặc quân phục chỉnh tề, tay lăm lăm dùi cui dàn hàng ngang. Người đi đầu dùng loa cầm tay dõng dạc tuyên bố:

– Chúng tôi, những người đại diện chính quyền nhà nước. Chúng tôi được lệnh cấp trên yêu cầu mọi người dừng lại. Chúng tôi cần gặp đại diện tang chủ! Ai là người đại diện gia đình của nạn nhân mời đến gặp chúng tôi!

– Chúng tôi chỉ làm việc với tỉnh trưởng! Chúng tôi không làm việc với bất cứ ai! Người đại diện gia đình tuyên bố.

– Các ngươi đã vi phạm pháp luật, vì gây mất trật tự nơi công cộng! Yêu cầu mọi người dừng bước! Tốp lính của quan đồn trưởng tỉnh tạo thành nhiều hàng rào chắn đoàn người.

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (8)

Trong số những người đưa tang, có người con gái tuổi trạc mười tám đôi mươi, người mảnh dẻ, xinh xắn, hiền hậu. Cô có mặt từ sáng sớm tại tang gia kể từ khi người thanh niên xấu số được đưa từ bệnh viện về nhà, và từ hôm đó người ta ta thấy cô luôn ngồi bên cạnh người thanh niên xấu số này. Cô không đội khăn tang, không gào thét thảm thiết như bao người khác, nhưng cứ nhìn vào đôi mắt sưng vù, khuôn mặt nhợt nhạt của cô đủ thấy sự đau thương, mất mát của cô đến chừng nào. Cô chậm rãi bước đi cùng với hai phụ nữ trong thân tộc của gia quyến dìu cô trong vòng vây của những người ruột thịt, những người thân thiết nhất của tang chủ để tiễn biệt người bạn trai mà cô đã nguyện ước sống bên anh đắp xây hạnh phúc bình dị.

Đám tang đang tiến mỗi lúc một xa lũy tre làng, tiếng trống, tiếng kèn tiễn đưa thôi thúc đoàn người tiến thẳng về phía trước quyết đòi cho được sự công bằng và công lý. Từng tốp trinh sát của quan đồn trưởng huyện, tốp theo sau, tốp đi trước dõi theo diễn tiến cuôc đưa đám. Từng tốp liên tục báo cáo với quan đồn trưởng qua điện thoại cầm tay.

Đến đường rẽ vào nghĩa địa, không thấy đoàn xe tang dừng, không thấy rẽ vào. Chiếc quan tài chất đầy những vòng hoa trắng tinh khiết vẫn tiến thẳng ra đường quốc lộ. Các tốp trinh sát của quan đồn trưởng bỗng nhao nhác như đàn vịt con bị diều hâu lao xuống cướp đi sinh mạng.

– Thưa sếp, bọn chúng không đi vào nghĩa địa mà chúng đưa quan tài đi thẳng lên tỉnh! Bây giờ xử lý thế nào ạ?

– Thực hiện theo phương án một!

– Dạ vâng!

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (7)

Dòng họ nội tộc của nạn nhân lại ngồi với nhau bàn bạc, một người cao tuổi bức xúc đứng lên tuyên bố:

– Từ hôm qua đến giờ, thái độ của chúng nó cho ta thấy rõ ràng là: Chúng bao che cho nhau, tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, chính xác hơn là bọn chúng âm mưu đổi trắng thay đen, tìm cách trút bỏ tội và đổ lỗi lên đầu chúng ta. Việc làm này trái với luân thường đạo lý, trái với pháp luật, chúng ta phải tìm cách đối phó với bọn chúng để tìm ra sự thật, lấy lại sự công bằng và cũng để giải oan cho con ta được thanh thản. Khó mấy cũng phải làm, đến đâu cũng phải làm, làm đến cùng. Bây giờ chúng ta liệm cho cháu rồi làm thủ tục cúng viếng theo phong tục tập quán, đợi làm rõ sự việc sẽ mai táng.
Mọi thủ tục, nghi lễ được tiến hành trang trọng trong nỗi đau thương căm phẫn được ghìm nén trong lòng.

Chiều tối, rồi khuya, cũng chẳng thấy bóng dáng quan nào đến.

– Tình hình này sáng mai chưa thể tiễn đưa cháu được. Chúng cho rằng sáng mai kiểu gì ta cũng phải đưa tang, bọn nó sẽ đến sau khi đưa tang xong, để sự đã rồi, đó là con bài của bọn chúng. Bây giờ ta tính thế nào? Một người trong dòng họ phát biểu.

– Ta đợi đến hết sáng mai, nếu không thấy họ đến hoặc không đáp ứng yêu cầu của mình, ta mang cháu lên hỏi quan đầu tỉnh, mọi người thấy thế nào? Một người cũng đứng lên trình bày quan điểm của mình.

– Đồng ý! Phải làm cho ra nhẽ! Mọi người tán thành.

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (6)

Cuộc khám nghiệm được tiến hành. Các quan pháp y bắt tay vào việc của mình. Biên bản được ghi theo sự phán quyết của quan pháp y phụ trách:

– Phần ngoài thân thể của nạn nhân, từ chân tay, mình mẩy không có dấu vết gì; sau gáy có vết rách dài 5cm; phần cổ hai bên phía dưới cằm có vết tím, khẳng định là vết chàm xuất hiện sau khi nạn nhân chết.

– Người nhà tôi không có vết chàm trên cổ, yêu cầu kiểm tra lại! Người nhà nạn nhân phản đối.

– Tôi nói là vết chàm xuất hiện sau khi nạn nhân chết, nghe chưa? Giọng của quan phụ trách gay gắt.

– Vô lý! Vết chàm là vết xuất hiện từ khi lọt lòng mẹ, làm gì có vết chàm xuất hiện sau khi chết? Người nhà nạn nhân phản bác.

– Các ông, bà có tin tưởng vào chuyên môn không? Nếu không tin thì tự đi mà làm. Tôi làm công, ăn lương lúc nào cũng khách quan, trung thực. Những kết luận của tôi đều dựa trên cơ sở khoa học.

– Ông nói thế mà nghe được à? Chúng tôi là người dân, thấy vô lý thì chúng tôi hỏi. Ông ăn bổng lộc của dân, ông lại đi thách đố với dân chúng tôi. Ông tự xem có được không? Ông giải thích lại cho chúng tôi nghe tại sao lại có vết chàm trên cổ của người nhà tôi.

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (5)

Cô em gái vợ của quan Sát Dân hớt hải phóng xe máy đến nhà chị gái, vừa dừng xe, tắt máy đã tra hỏi:

– Việc chết người hay sao mà đi đền chùa đêm hôm thế này?

– Việc chết người, đúng là việc chết người!

Rồi thị ta kể đầu đuôi câu chuyện cho em gái nghe.

– Đi luôn, đi luôn! Lên hẳn chùa Độ Thế, chùa to nhất ở xứ này mà cầu. Cô em gái giục.

Ngồi sau xe em gái lướt trên đường với tốc độ cao, cô chị liến thoắng trình bày nội dung sẽ trình trước chùa Độ Thế để tham khảo ý cô em.

– Chẳng cần nhờ thầy trò thằng cha nào hết, đến đấy mua các đồ hàng mã vào thẳng chùa rồi chị tự cầu xin. Việc này nhờ người ta không thể hết nhẽ được.

– Thôi được, mình tự làm, miễn là thành tâm. Người chị tán đồng.

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (4)

Hai quan điện thoại cho nhau, hẹn gặp nhau để thống nhất đối tượng đút lót và mức lo lót. Quan anh Sát Nhân hỏi quan em Sát Dân:

– Quan chú lo được bao nhiêu rồi?

Ái chà, thằng cha này chắc có ý đồ dò la rồi tìm cách lừa ta đây! Còn lâu ta mới bị hố, hãy đợi đấy! Quan Sát Dân tự nhủ, rồi nhanh nhẩu đáp:

– Con vợ nhà em nó cho bên ngoại vay hết rồi, nó đưa cho em có ba triệu bạc, còn quan anh?

Thằng này trông mới nứt mắt mà định lừa ta đây! Nó định đưa đẩy cho ta chịu phần nhiều, khôn thế! Còn lâu nhé!

– Con vợ nhà anh nó cũng cho vay hết rồi, hôm nay nó vét hết tiền còn đi mua cho đứa con gái chiếc xe ga. Thế là hết nhẵn, anh vét hết cầm đi cũng được ba triệu bạc.

– Bây giờ tiền không có, tính sao đây? Mấy triệu bạc không đủ bữa nhậu của các quan. Quan Sát Dân nói.

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (3)

Người nữ thanh niên ngồi chờ lâu, sốt ruột, mở máy di động gọi cho người nam thanh niên.

– Quái lạ, chuông reo mãi mà sao không chịu nghe! Người nữ thanh niên đi thẳng vào trong đồn.

– Đây, xe mình đây rồi mà sao người ở đâu nhỉ? Không khéo mấy bố rủ nhau đi nhậu nhẹt, đang vui, không thèm nghe điện thoại của mình rồi! Cánh đàn ông tệ quá! Đến giờ đi làm ca rồi, kệ thây anh ta!
Người nữ thanh niên tự nhủ, rồi phụng phịu quay ra bắt xe ôm về nhà.

*

Đến bệnh viện, hai quan Sát Nhân và Sát Dân bê người nam thanh niên lên thẳng phòng cấp cứu. Quan Sát Dân nói nhỏ với quan Sát Nhân:

– Này quan anh có tài ứng khẩu, từ nay mọi việc do quan anh phát ngôn nhé! Em ăn nói kém, lại không lanh lợi được như quan anh, em chỉ biết tuân theo quan anh thôi được không ạ?

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (2)

Trên đường đi lên đồn đại bản doanh, người thanh niên ngồi sau xe móc điện thoại trong túi ra gọi cho bạn gái:

– Em cứ chờ anh ở ngoài cổng đồn, xong việc anh ra ngay! Yên tâm đi, không có vấn đề gì đâu!

Theo lời dặn của bạn, người thanh nữ ngồi ngoài cổng chờ.

Xe đỗ xuỵch nơi quy định của đồn, mọi người vào phòng làm việc theo chỉ dẫn của quan anh Sát Nhân. Phòng kê hai bàn làm việc, mỗi bàn có hai ghế ngồi, hẳn là một ghế dành cho đương sự, một ghế dành cho các quan khi làm việc. Giữa phòng kê bộ ghế sa-lon gỗ khá hoành tráng. Quan Sát Nhân chỉ chỗ ngồi cho người thanh niên. Anh ngồi xuống rồi quan sát kỹ phòng. Trên phòng treo la liệt những là trích nghị quyết của triều đình, giấy khen, bằng khen của tập thể đội; đặc biệt những điều lãnh tụ của triều đại căn dặn ngành, cho đến những khẩu hiệu với dòng chữ sơn son, thiếp vàng: "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ...". Quan em Sát Dân lấy trong tủ ra mấy tờ giấy trắng rồi ngồi đối diện với người thanh niên ghi biên bản. Quan Sát Nhân đi đi lại lại trong phòng.

– Căn cước tùy thân đâu? Quan Sát Dân hỏi

– Đây!

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (1)

Chuyện kể rằng:

Một hôm có hai quan sai cấp châu (huyện) thuộc vùng lãnh thổ do triều đại C còng trị vì, một người có tên Sát Nhân, người kia có tên Sát Dân. Hai quan sai này vừa được giao trách nhiệm trông coi việc dân chúng tham giao thông trong phạm vi địa bàn của châu. Hôm nay cả đội của Sát Nhân và Sát Dân không đi làm vì cấp trên triệu đội trưởng và phó đội trưởng đi học tập, quán triệt nghị quyết mới của triều đình. Nhàn rỗi, ngồi trong phòng làm việc tại đại bản doanh của đội, quan Sát Dân trêu chọc quan Sát Nhân:

– Này cái bụng quan anh ngày càng trương ra rồi đấy, ăn ít thôi, dân nó chửi nhục lắm!

– Thì quan chú em cũng khác gì anh! Được mỗi cái bụng không ưỡn ra như anh thôi, mặt bóng nhẫy ra rồi còn gì! Nói thật nhé, tớ đếch sợ bọn dân, bọn chúng sinh ấy sợ gì nó, nó làm gì được mình! Mà đáng sợ nhất, ngán nhất lại chính là cái bọn trong nội bộ của ta, mấy thằng cha trong đơn vị mình nó cứ ghen ăn, tức ở thế nào ấy, khó chịu lắm.

– Người đời nói rồi: "Trâu buộc ghét trâu ăn!", quan anh biết rồi còn gì, nó thấy bọn mình ra đường kiếm ăn được, thằng nào cũng ghen tị, đúng là bọn tiểu nhân.

– Quan chú nói anh nghe xem!