Ông Vi Đức Hồi, 56 tuổi, gia nhập Đảng Cộng sản năm 1980 và từng là Giám đốc trường Đảng huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Từ năm 2006, ông Hồi bắt đầu viết nhiều bài báo phê phán Đảng CSVN, chống tham nhũng và bất công xã hội, cảnh báo hiểm họa mất đất mất biển vào tay Trung Quốc, và đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam. Ban đầu ông dùng bút danh, sau đó dùng tên thật khi ông bị khai trừ khỏi đảng năm 2007. Ông cũng là thành viên của Khối 8406 và đã nhiều lần bị đưa ra "đấu tố" ở địa phương, và vợ của ông cũng bị khai trừ khỏi đảng vì không chịu lên án chồng.
Ông được trao giải Hellman/Hammett năm 2009 của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch vì các đóng góp trong việc "thúc đẩy tự do ngôn luận".
Ông Vi Đức Hồi bị bắt hôm 27/10/2010 tại tư gia và tới nay gần hêt thời hạn tạm giam mới được mang ra xử. Cho tới khi ra tòa, ông bị giam ở trại Yên Trạch, tỉnh Lạng Sơn. Trước đó, theo anh Ngô Quỳnh, hiện đang ngồi tù, thuật lại thì chế độ đã hầu như giam giữ ông Vi Đức Hồi tại nhà từ mấy năm trước chứ không phải chỉ gần đây.
Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Vi Đức Hồi lại bị CSVN tuyên án một cách nặng nề hơn những người khác từng bị ghép cùng tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN, theo điều luật 88? Điều luật 88 này vốn đã là một điều luật vô lý chỉ thấy ở chế độ độc tài tùy tiện diễn dịch mọi bài viết về chính trị và sẵn sàng dùng nó để bóp nghẹn mọi ý kiến nghịch nhĩ với kẻ cầm quyền.
Cũng cùng tội danh tượng tự, mười một tháng trước đây, nhà đấu tranh Trần Huỳnh Duy Thức đã bị toà án CSVN kết án 16 năm tù, trong khi những nguời khác trong cùng vụ án như luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, lãnh mức án từ 5 đến 7 năm tù. Lúc đó dư luận đã nhận ra ngay bản án dành cho anh Trần Huỳnh Duy Thức chỉ là một trò trả thù hèn hạ của hệ thống tư pháp CSVN, vì anh Thức đã có thái độ phản đối tại toà, khi phản bác cáo trạng và yêu cầu thay đổi Hội đồng xét xử, với lý do bị nhục hình trong thời gian tạm giam điều tra. Lần này bản án nặng nề dành cho ông Vi Đức Hồi hẳn nhiên cũng có lý do không bình thường của nó.
Bản án trên được đưa ra một tuần sau khi CSVN đã bế mạc Đại Hội Đảng . Có người nghĩ rằng nếu trước Đại Hội Đảng, nhà nước CSVN thẳng tay đàn áp các tiếng nói đối kháng để Đảng được yên ổn họp đại hội, thì sau Đại Hội rồi, hy vọng Đảng sẽ nới tay hơn. Nhưng thực tế đã không phải vậy qua bản án. Điều này khiến người ta có thể đưa ra một số giả thiết lý giải sau:
Với ông Tổng Bí Thư mới là Nguyễn Phú Trọng, một người được đánh giá là thân Tàu qua các thái độ và tư tưởng bộc lộ ra từ trước, phải chăng bản án là một món quà nhỏ của ban lãnh đạo mới ra mắt thiên triều Bắc Kinh của ông Tổng Bí Thư, khi kết án thật nặng một người từng cảnh báo về hiểm họa mất đất biển vào tay nước Tàu và người này lại ở ngay vùng Lạng Sơn biên giới sát nách Tàu?
Hoặc là sau khi Đảng CS đã tái khẳng định vị trí độc tôn lãnh đạo đất nước và dân tộc và sau khi các đấu đá tranh giành quyền lực đã được dàn xếp chia chác ổn thỏa trong cung đình, giờ Đảng thẳng tay đập nặng cựu đồng chí cấp nhỏ của mình để răn đe cấp dưới , xiết chặt lại hang ngũ nội bộ để chặn ngừa tiến trình tự diễn biến trong Đảng?
Khi kết án nặng ông Vi Đức Hồi so với những người khác cùng tội danh, CSVN chắc hẳn đã đánh giá ông Hồi là một người nguy hiểm cho họ. Có lẽ vì ông đã từng ở trong chăn với họ nên thấy rõ rận hơn người dân bình thường, và nhất là khi ông đã từng là giám đốc một trường Đảng như đã đề cập ở phần đầu. Một người từng huấn luyện người khác về con đường Mác-Lê mà nay còn phải lên tiếng đó là con đường ảo tưởng, vô vọng, và bị lạm dụng, thì tất nhiên Đảng CSVN phải lo ngại ảnh hưởng của người này lên các đảng viên khác; dù rằng ông Vi Đức Hồi tầm cỡ không bằng các cựu đảng viên chuyên gia về tư tưởng như cựu giám đốc trường đảng Hoàng Minh Chính, cựu trưởng ban văn hóa tư tưởng trung ương Trần Độ, mà họ cũng đã từng cô lập, cách ly, trù dập khi hai người này còn sống.
Thay vì đối chất tranh luận để chứng tỏ ông Vi Đức Hồi sai, và thuyết phục đảng viên còn lại tin vào con đường chính nghĩa của Đảng, CSVN lại dùng bạo lực chuyên chế để bịt miệng người bất đồng chính kiến; điều này cho thấy Đảng CSVN đang sợ phải đối diện với sự thật là mình không còn đủ lý lẽ để tự biện minh cho mình. Và khi họ càng trù dập và kết án nặng một cách thái quá vô lý, thì họ càng để lộ ra nỗi lo sợ của mình.
Trong khi đó theo luật sư Trần Lâm đã nhận xét ở trên, ông Vi Đức Hồi đã tỏ ra rất bình thản trước bản án mặc dù không chấp nhận nó và dự định kháng án. Phải chăng đó là sự bình thản của một người đã biết rõ nên chẳng còn ngạc nhiên trước những điều vô lý của Đảng CS, và sự bình thản của một người đã hết sợ bạo lực, đang tự tin vào con đường mình đang đi là đúng, ngược lại với Đảng CSVN?
---oOo---
Để tìm hiểu thêm những suy tư và quan điểm của nhà dân chủ can đảm này, mời quí độc giả ghé đến ViDucHoi.blogspot.com
Văn Chu