Saturday, August 7, 2010

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (1)

Chuyện kể rằng:

Một hôm có hai quan sai cấp châu (huyện) thuộc vùng lãnh thổ do triều đại C còng trị vì, một người có tên Sát Nhân, người kia có tên Sát Dân. Hai quan sai này vừa được giao trách nhiệm trông coi việc dân chúng tham giao thông trong phạm vi địa bàn của châu. Hôm nay cả đội của Sát Nhân và Sát Dân không đi làm vì cấp trên triệu đội trưởng và phó đội trưởng đi học tập, quán triệt nghị quyết mới của triều đình. Nhàn rỗi, ngồi trong phòng làm việc tại đại bản doanh của đội, quan Sát Dân trêu chọc quan Sát Nhân:

– Này cái bụng quan anh ngày càng trương ra rồi đấy, ăn ít thôi, dân nó chửi nhục lắm!

– Thì quan chú em cũng khác gì anh! Được mỗi cái bụng không ưỡn ra như anh thôi, mặt bóng nhẫy ra rồi còn gì! Nói thật nhé, tớ đếch sợ bọn dân, bọn chúng sinh ấy sợ gì nó, nó làm gì được mình! Mà đáng sợ nhất, ngán nhất lại chính là cái bọn trong nội bộ của ta, mấy thằng cha trong đơn vị mình nó cứ ghen ăn, tức ở thế nào ấy, khó chịu lắm.

– Người đời nói rồi: "Trâu buộc ghét trâu ăn!", quan anh biết rồi còn gì, nó thấy bọn mình ra đường kiếm ăn được, thằng nào cũng ghen tị, đúng là bọn tiểu nhân.

– Quan chú nói anh nghe xem!



– Tất cả đều xuất phát từ cái việc triều đình ra chiếu chỉ bắt buộc đi xe phải đội mũ, nón mà ra đấy. Quan anh nghĩ xem, ban đầu triều đình quy định một số tuyến đường bắt buộc phải đội mũ, nón. Với quy định này, chỉ cần lực lượng của tỉnh đã đảm nhiệm được việc dân chúng tham gia giao thông bằng phương tiện mô-tô, xe gắn máy và ô-tô các loại rồi, nhưng đến khi triều đình quy định tất cả các tuyên đường giao thông đều phải đội mũ, nón thì các quan tỉnh không thể quản lý xuể nên buộc phải phân cấp cho chúng ta.

– Đúng vậy, nhờ có việc phân cấp nên anh em ta mới có suất ăn theo. Nhưng mà nói đi lại nói lại, tôi thấy việc bắt buộc đội mũ, nón khi đi xe tham gia giao thông vẫn còn nhiều bất cập lắm quan chú ạ. Dân tình vẫn than phiền nhiều lắm. Này nhé, tỉ dụ như các tuyến đường nội thị, theo tôi chỉ cần quy định tốc độ khoảng 20 – 30km/h là được rồi, mình có thể phạt những ai đi quá tốc độ quy định, có sao đâu! Thực tế trong đô thị người đông đúc, không ai đi tốc độ cao như các tuyến ngoài đô thị, trừ một vài thanh niên mới lớn thích phóng nhanh, vượt ẩu, đối tượng này không nhiều, ta kiểm soát được. Đằng này quy định quá rập khuôn, máy móc, như tôi từ nhà ra chợ có vài chục mét, vậy mà muốn đi xe buộc phải mũ, nón lích kích quá, bất tiện nữa là khác.

– Chưa hết đâu quan anh! Việc này mới là bất cập này. Triều đình quy định các cháu dưới 14, 15 tuổi trở xuống ngồi trên xe cùng người lớn không cần đội mũ, nón bảo hiểm, quan anh thấy thế nào? Tính mạng nó không cần bảo vệ hay sao?

– Việc này quan chú cũng phải hiểu cho những nhà làm luật, họ có cái khó của nó. Nếu quy định cho tất cả mọi người, không phân biệt người lớn trẻ con thì bọn trẻ mới sinh, bọn trẻ vài tháng tuổi thì nó đội mũ, nón sao được? Cái gì cũng mang tính tương đối của nó thôi.

– Thế thì phải quy định trừ những đứa trẻ chưa biết ngồi, khi đi trên xe, người lớn phải ẵm nó thì không cần mũ, nón bảo hiểm. Còn lại tất cả những người đã ngồi được trên xe đều phải có mũ, nón bảo hiểm thì mới đúng chứ!

– Quan chú phải hiểu rằng đây là quy định xử phạt, mà đối tượng xử phạt là phải người có tiền, trẻ con làm gì có tiền mà phạt nó được? Quy định này mục tiêu chủ yếu là phạt lấy tiền, các mục tiêu khác như là bảo vệ tính mạng con người vân vân… là thứ yếu, chú hiểu chưa?

– Quan anh nói thế thì em chịu! Quả là quan anh có đầu óc tinh tường hơn em.

– Thôi đấy là việc của triều đình, việc của trên. Anh em ta phải nói là số hên nên mới được hưởng bổng lộc của triều đình ban phát do sự phân cấp này. Ta phải biết ơn triều đình và một lòng, một dạ trung thành với triều đình phải không quan chú em?

– Ơn quá đi chứ, nhờ thế mà anh em mình mới có được bộ dạng như hôm nay phải không quan anh?

Quan anh gật gù, vẻ toại nguyện:

– Đúng thế, đúng thế!

Như sực nhớ ra điều gì, quan anh nói tiếp:

– Này nhưng mà không phải riêng anh em ta ở cấp châu được hưởng lộc mà còn cả cấp xã phường, thậm chí cấp thôn, cấp khu dân cư, tổ dân phố cũng được hưởng ân huệ của triều đình do sự phân cấp này đấy. Quan chú thấy không, ngay như đội chúng ta đây khi ta đã đón lõng vơ vét ở các tuyến đường chính trong châu ta suốt trong thời gian qua, bọn chúng sinh nó đã khôn lên, bây giờ thu nhập mỗi ngày giảm trông thấy. Ta lại phải tập trung vào các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, ở đó dân chúng ngơ ngơ, ngác ngác, lập tức thu nhập của ta lại được cải thiện. Tuy nhiên ta lại phải dùng lực lượng của xã, của thôn bản, những an ninh viên hiện nay cũng được tham gia bắt bớ, ta chẳng cần ra tay, để bọn chúng làm, chia cho nó phần ít ỏi. Mắt sáng rực chú thấy không? Quả là sướng hết chỗ nói.

– Đúng vậy, em nghe nói qua đợt phân cấp này nhiều xã thu bạc trăm, ở thành phố cấp phường thu bạc tỉ là chuyên thường quan anh ạ.

Sau giây lát tư duy, quan anh nói tiếp:

– Phải nói là triều đình ưu ái lực lượng ta. Lương của anh em ta so với bọn hành chính thì chỉ là tép riu, thế mà còn nhiều chính sách ưu đãi như lên lương, lên quân hàm, đặc biệt là có cơ chế để chúng ta có đất làm ăn, vơ vét bọn chúng sinh. Mặc dù chúng ta bị xã hội lên án rất nhiều song chúng nó chẳng làm gì được. Ăn khôn nói dại, trừ triều đình C còng này sụp đổ thì ta mới hết đường vơ vét.

– Quan anh cứ nói đùa chứ sụp là sụp làm sao! Những người như anh em mình đang hưởng công bộc của triều đình, triều đình coi ta là công cụ số một, ta có trách nhiệm bảo vệ triều đình. Đó là sự sống còn của ta. Còn triều đại C còng này thì còn ta. Ta cứ việc trung thành tuyệt đối với triều đình là yên tâm đi, tiền tài ta có, quyền chức ta có. Không những chỉ đời ta mà cả đời con cháu mai sau, em nói vậy quan anh thấy đúng không?

– Cái tật mãn tính của chú là chỉ có nói đúng!

Cả quan anh lẫn quan em cười phá lên một cách mãn nguyện.

– Mà này quan anh ơi, còn chuyện này nữa!

– Chuyện gì quan chú nói anh nghe!

– Chuyện này nghe tức đến chết đi được! Em nghĩ chuyện này do bọn xấu, bọn phản động, bọn thù địch nó tung tin đồn nhảm nhằm hạ uy tín của lực lượng ta, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân ta đối với triều đình vô cùng sáng suốt, và thiên tài của chúng ta quan anh ạ. Nó dám cả gan đặt vấn đề là từ ngày triều đình bắt buộc đội mũ, nón cho đến nay, số người tử vong, bị thương tật do lực lượng trấn giữ của ta truy đuổi gây nên trên toàn vẹn lãnh thổ này xem không có giảm đi so với số vụ tai nạn giao thông trước đây! Anh xem có cay cú không?

– Chú hay có cai bệnh hơi tí nghi cho các thế lực thù địch! Tôi, tôi nghĩ chính trong nội bộ của ta đố kỵ, ghen ăn, tức ở chứ chả phải ở đâu xa lạ.

– ...Vâng, quan anh nói có lý. Từ nay em phải đề cao cảnh giác với chính những thằng đồng đội của ta mới được!

...

– Cả ngày hôm nay nghỉ, không thu được đồng nào, em thấy sốt ruột quá, quan anh!

– Nghỉ là nghỉ thế nào! Tôi đã nói với quan đội trưởng rồi, đợi tý nữa hết giờ cho bọn cơ quan về hết đã rồi ta đi kiếm chác ăn tối. Quan chú cứ chuẩn bị tinh thần đi.

– Vâng, làm việc dưới quyền quan anh em thích lắm, vì ý anh là ý em, không chệch một tý nào.

Hết giờ làm việc buổi chiều, mọi người đi về , chỉ còn vài người phải trực hoặc nhà xa ở lai cơ quan, hai quan Sát Nhân và Sát Dân đi xe của đội phóng về trung tâm thị trấn châu để hành nghề. Xe qua lại tấp nập mà không có ai đầu trần, thỉnh thoảng có vài cậu thanh niên con nhà cán bộ châu phóng nhanh, vượt ẩu trông ngứa mắt nhưng chẳng làm gì được nó nên cứ phải nhắm mắt cho qua. Bỗng từ xa có đôi "uyên ương" mặt búng ra sữa lai nhau đầu trần, cười rúc rích "liều mình như chẳng có".
Quan chú Sát Dân tuân chỉ lệnh của quan anh Sát Nhân tay cầm dùi cui, huýt còi ra hiệu cho xe dừng. Đôi trai gái mặt khôi ngô tuấn tú, ngơ ngác rồi kịp nhận ra mình đã phạm lỗi giao thông nên từ từ dừng xe theo sự chỉ dẫn cua quan Sát Dân.

– Cho kiểm tra giấy tờ! Quan Sát Dân nói.

Người thanh niên mở cốp trình giấy tờ cho quan Sát Dân.
Nhìn lướt qua rồi quan Sát Dân đưa cho quan Sát Nhân kiểm tra. Xem xong, quan Sát Nhân hỏi:

– Tụi bay ở đâu đến?

– Dạ thưa, em ở huyện liền kề đây ạ. Em lên thăm bạn gái làm ở đây, bọn em ra mua thức ăn tối vội đi em quên không đội mũ. Xin các quan bỏ qua cho em, chỗ ở bạn gái em ngay đây thôi ạ.

– Tụi bay nhiều lỗi lắm! Thôi, nộp phạt 300 000đ tiền tồi tệ. Đó là nhân nhượng lắm rồi đó!

– Cho bọn em xin nộp 100 ngàn, còn lại em xin các quan... Người con gái nói với giọng năn nỉ, van xin.

– Trăm ngàn hả? Xin lỗi nhé! Không bõ công tao dừng xe, hiểu chưa? Quan Sát Dân quát.
Tức khí, vốn là người cầm vô lăng lướt trên đường suốt mấy năm nay nên đã quá quen cái cảnh chạm trán với các quan nằm vùng trên quốc lộ, tỉnh lộ, xã lộ cho đến thôn lộ rồi, nên anh ta quả quyết:

– Thôi các ông làm việc đi, tôi nộp phạt.
Quan nọ nhìn quan kia rồi cả hai quan nhìn chằm chằm vào đôi uyên ương chờ động thái chấp hành hình phạt nhỏ nhẹ, đơn giản này. Người thanh niên cũng chờ động thái làm việc của hai quan. Không thấy động tĩnh gì, người trai thanh niên giục:

– Các ông làm việc đi, nhanh tôi còn đi đây.

– Làm việc gì? Một quan quát lại.

– Ông đang làm việc với tôi đây mà ông lại hỏi tôi thế à? Lập biên bản, ghi biên lai thu tiền đi còn gì nữa!

Bất giác hai quan nhìn nhau, lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Thôi chết rồi lấy đâu ra biên lai với biên bản bây giờ, đã đi đánh lẻ, ăn vụng thì lấy đâu ra của chính với đáng! Thật là xui xẻo! Ngày hôm nay gặp phải thằng ranh con ngang bướng, cứng đầu, cứng cổ, bây giờ xử trí ra sao đây!

– Câc ông định ăn không hở? Định không lập biên bản, định không ghi biên lai chứ gì?
Mặt hai quan tím bầm do quá tức giận vì bị hớ hênh, bẽ bàng trước đám đông người xung quanh tụ tập tò mò.

– Thích biên bản hả? Lên đồn, theo tao lên đồn ngay!

– Lên đồn hở? Lên thì lên! Người thanh niên đáp.
Nói rồi một quan nổ xe của đôi nam nữ, bảo người thanh niên ngồi sau phóng đi trước, một quan nổ xe của mình theo sau, phóng lên đại bản doanh của các quan trong lúc trời xế chiều, hoàng hôn chuẩn bị buông.

Người thanh nữ lững thững theo sau lên đồn.

No comments:

Post a Comment