Saturday, August 7, 2010

CHUYỆN THẬT Ở XỨ C CÒNG (7)

Dòng họ nội tộc của nạn nhân lại ngồi với nhau bàn bạc, một người cao tuổi bức xúc đứng lên tuyên bố:

– Từ hôm qua đến giờ, thái độ của chúng nó cho ta thấy rõ ràng là: Chúng bao che cho nhau, tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, chính xác hơn là bọn chúng âm mưu đổi trắng thay đen, tìm cách trút bỏ tội và đổ lỗi lên đầu chúng ta. Việc làm này trái với luân thường đạo lý, trái với pháp luật, chúng ta phải tìm cách đối phó với bọn chúng để tìm ra sự thật, lấy lại sự công bằng và cũng để giải oan cho con ta được thanh thản. Khó mấy cũng phải làm, đến đâu cũng phải làm, làm đến cùng. Bây giờ chúng ta liệm cho cháu rồi làm thủ tục cúng viếng theo phong tục tập quán, đợi làm rõ sự việc sẽ mai táng.
Mọi thủ tục, nghi lễ được tiến hành trang trọng trong nỗi đau thương căm phẫn được ghìm nén trong lòng.

Chiều tối, rồi khuya, cũng chẳng thấy bóng dáng quan nào đến.

– Tình hình này sáng mai chưa thể tiễn đưa cháu được. Chúng cho rằng sáng mai kiểu gì ta cũng phải đưa tang, bọn nó sẽ đến sau khi đưa tang xong, để sự đã rồi, đó là con bài của bọn chúng. Bây giờ ta tính thế nào? Một người trong dòng họ phát biểu.

– Ta đợi đến hết sáng mai, nếu không thấy họ đến hoặc không đáp ứng yêu cầu của mình, ta mang cháu lên hỏi quan đầu tỉnh, mọi người thấy thế nào? Một người cũng đứng lên trình bày quan điểm của mình.

– Đồng ý! Phải làm cho ra nhẽ! Mọi người tán thành.



*


Tại phòng làm việc của quan trưởng đồn huyện, cuộc hội ý được tổ chức với sự có mặt của các quan đồn phó; các quan đồn tỉnh được biệt phái. Quan đồn trưởng phát biểu:

– Tình hình vụ việc suốt từ tối qua cho đến giờ cho thấy thái độ của gia đình nạn nhân là kiên quyết làm rõ vụ việc. Họ khẳng định là lính của ta đã đánh chết người nhà họ. Bây giờ ta phải tính phương án đối phó làm sao vụ việc nó lắng xuống, hạn chế được bức xúc từ phía gia đình, vừa làm thế nào khẳng định được người của ta không gây nên cái chết của nạn nhân. Đó là việc khó. Tôi đưa ra hai phương án để các ông xem xét:
Phương án một của ta là: Tối nay ta không đến. Sáng mai ta sẽ đến trụ sở chính quyền xã để thám tính tình hình. Đến trưa mai khoảng 10h, nếu bọn họ còn cố tình chưa đưa tang, điều đó chứng tỏ họ kiên quyết chờ ta trả lời rõ ràng rồi họ mới đưa. Lúc đó ta thực hiện phương án hai.
Phương án hai là: Sau 10h ta mời họ lên trụ sở chính quyền sở tại, tiếp tục đối thoại, thương lượng. Nếu họ đòi hỏi văn bản báo cáo thì đưa văn bản báo cáo của hai viên quan đã sát hại nạn nhân cho gia đình. Trường hợp gia đình không đồng ý, ta lại hẹn sang chiều để làm việc. Chiều ta lại không đi thì chắc chắn họ phải đưa tang vào chiều mai. Họ không thể để thối ra nhà được. Nhưng tôi tin sáng mai họ đã đưa tang xong. Mà đưa tang xong thì coi như mọi việc đã xong, các việc tiếp theo chỉ là việc nhỏ.

– Quan anh nói vậy bọn em thấy yên tâm quá. Đúng là mai táng xong thì vụ việc đã được khép lại. Nhưng liệu bọn chúng sẽ bàn tính có những phản ứng gì không? Một viên quan đồn tỉnh được biệt phái băn khoăn.

– Bọn này nó thì tính được gì! Các ông cứ yên tâm đi. Tôi cai quản lâu năm ở đây tôi biết, chúng chẳng làm được gì đâu. Mấy mống trong họ hàng nhà nó thì làm được gì! Định nổi loạn chắc! Quan đồn trưởng ưỡn người trên chiếc ghế salon, vẻ tự tin đắc thắng.

– Vâng đúng là như vậy. Mọi người tán đồng.

Cuộc hội ý giải tán. Quan đồn trưởng cho gọi hai viên quan Sát Nhân và Sát Dân đến gặp.

– Tụi bay viết cho ta một bản báo cáo!

– Dạ thưa viết thế nào ạ? Quan Sát Nhân hỏi

– Viết như đã thống nhất!

– Dạ vâng, em viết ngay ạ.

Tám giờ sáng hôm sau, quan đồn trưởng huyện cùng các quan đồn tỉnh được biệt phái, các quan đồn huyện và các quan chính quyền xã nơi cư ngụ của nạn nhân đã có mặt tai trụ sở chính quyền xã sở tại.

– Nó đưa tang chưa? Quan đồn trưởng hỏi.

– Dạ thưa chưa thấy động tĩnh gì ạ. Một người cán bộ chính quyền xã được phân công theo dõi diễn tiến đám tang báo cáo.

– Tiếp tục theo dõi sát, có gì báo cáo ngay. Quan đồn trưởng dặn.

– Dạ thưa vâng.

– Có phải gia đình này là đối tượng chính sách không? Quan đồn trưởng hỏi xã trưởng.

– Dạ thưa không ạ. Cha nạn nhân có đi bộ đội tham gia chống Mỹ rồi chống Tàu, sau phục viên. Trong cuộc chiến chống Tàu có bị thương nhưng vì mất giấy tờ nên chạy vạy mãi vẫn chưa được chế độ thương binh. Chú của nạn nhân là sĩ quan cao cấp đang tại ngũ trong quân đội.

– Họ hàng nội, ngoại có đông không? Quan đồn trưởng lại hỏi.

– Dạ khá đông ạ, tất tần tật khoảng trên một trăm người. Quan xã trưởng đáp.

– Gia đình này và dòng họ này có vấn đề gì không? Ý tôi là có chấp hành đường lối của triều đình ta tốt không? Có ai trong dòng họ có máu mặt dám chống lại chính quyền sở tại không?

– Dạ, gia đình nạn nhân tốt, không biểu hiện tiêu cực gì và cũng gương mấu chấp hành đường lối đấy ạ. Còn trong dòng họ có một hai tay hơi ngang bướng một chút, nhưng không sao đâu ạ. Nó chỉ hay khoét sâu những sơ hở, thiếu sót của cán bộ thôn xã, tỉ dụ như tham nhũng, hách dịch, lợi dụng chức quyền... là nó nói thẳng thừng, nó không kiêng nể ai ở cái chính quyền cơ sở này. Nó chỉ thế thôi ạ. Quan xã trưởng nghiêm túc báo cáo.

– Vậy là phải hết sức cẩn thận đề phòng! Quan đồn trưởng nhấn mạnh.

– Sao ạ? Việc này mình có sơ hở, thiếu sót gì đâu mà sợ họ ạ? Đường đường chính chính mình là cơ quan nhà nước, mình là công minh chính trực, sao lại phải đi sợ bọn họ ạ? Hay có uẩn khúc gì ạ? Quan xã trưởng nghi ngại.

– Đương nhiên đường đường chính chính là như vậy, nhưng sợ gia đình họ không nghe, họ nghi ngờ người nhà nước đánh người nhà họ chết, họ đòi hỏi phải làm rõ vụ việc rồi mới mai táng. Chúng tôi đang đau đầu nhức óc đây! Quan đồn trưởng giải thích.

– Không lo đâu ạ. Dân ở đây họ có nhận thức cả đấy ạ, chỉ cần ta chứng minh được sự thật, thuyết phục được lòng người thì người ta chịu ngay thôi ạ. Chỉ sợ ta quanh co, lừa lọc, dối trá thì dân sẽ không nghe đâu ạ.

– Ông có cách nào thuyết phục được dân, nói tôi nghe!

– Dạ, đơn giản là ta có biên bản thực tế hiện trường khi xảy ra vụ việc, có người làm chứng là nó bị cảm, rồi đưa sang viện thì chết. Ta lại có biên bản khám nghệm tử thi đến những hai lần cơ mà, khám nghiệm không có dấu vết gì tác động từ bên ngoài, thân thể lành lặn, có sự chứng kiến của gia đình nạn nhân. Vậy là có căn cứ, đó là cơ sở còn gì nữa mà họ không nghe!

– Nói đơn giản như ông thì còn nói làm gì! Thôi được rồi, biết thế! Quan đồn trưởng cắt ngang.

Quan xã trưởng ngơ ngác nhìn quan đồn trưởng, nhìn mọi người xung quanh rồi bỏ đi chỗ khác.
*


Đúng như mọi người dự đoán, mặc cho mọi người ngóng chờ mỏi mắt, suốt buổi sáng chẳng có quan nào đến thăm hỏi, đàm phán. Mãi đến 10h, có điện thoại gọi mời gia đình đến tại trụ sở chính quyền xã để làm việc.

Đích thân phụ thân nạn nhân phóng xe máy lên gặp.

– Các ông làm việc vô trách nhiệm. Có phải các ông định phủi tay không? Bố nạn nhân nổi khùng.

– Ông cứ bình tĩnh! Chúng tôi đang tích cực làm hết trách nhiệm đấy chứ! Quan đồn trưởng ôn tồn.

– Tại sao từ sáng đến giờ các ông không đến nhà tôi theo như đã hẹn? Mà bây giờ các ông lại giở trò gọi tôi lên đây!

– Chúng tôi muốn đến sớm nhưng chờ kết luận của hội đồng khám nghiệm tử thi lâu quá, đến bây giờ người ta vẫn chưa có câu trả lời. Đợi mãi không được, buộc chúng tôi phải đến đây mời ông lên đây để làm việc.

– Tại sao các ông không xuống nhà mà gọi tôi lên đây như một tội phạm? Trong khi gia đình tôi đang tang gia bối rối, các ông còn là con người nữa không?

– Chính vì gia đình đang tang gia bối rối nên chúng tôi mới cho gọi ông lên đây để bình tĩnh làm việc với nhau. Mong ông hết sức thông cảm cho chúng tôi. Quan đồn trưởng xuống giọng.

– Tôi không có thời gian để ngồi làm việc với các ông! Những yêu cầu của gia đình tôi, ngay bây giờ các ông có đáp ứng được không?

– Tôi đã nói là hiện chưa có kết quả khám nghiệm nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu của gia đình. Chờ kết quả chắc phải vài ngày nữa.

– Tôi yêu cầu cho tôi biên bản hiện trường hoặc báo cáo về nguyên nhân dẫn đến cái chết của con tôi.

– Đây, báo cáo đây, tôi đọc cho ông nghe: “…khi đang lập biên bản xử lý vi phạm, anh... biểu hiện sức khoẻ không bình thường, xùi bọt mép rồi tự đập đầu xuống bàn rồi xỉu ra đấy. Chúng tôi đưa đi cấp cứu. Đến viện anh… đã chết”. Quan đồn trưởng đọc dõng dạc cho thân phụ nạn nhân nghe.

– Ông đưa bản báo cáo đây tôi xem! Thân phụ nạn nhân đề nghị.

– Báo cáo này tôi phải lưu giữ. Nói xong quan đồn trưởng đút ngay bản báo cáo vừa đọc vào trong cặp ông ta.

– Tôi đã nghe ông đọc, tôi muốn xem qua không được sao?
Không còn cách nào khác, quan đồn trưởng đưa bản báo cáo cho thân phụ nạn nhân xem. Ông đọc lướt qua thấy ghi người báo cáo ký tên: Cảnh Sát Nhân, người thứ hai cùng ký: Cảnh Sát Dân, không đóng dấu má gì. Ông liền xé nát bản báo cáo, vo viên ném vào mặt viên quan đồn trưởng, quát:

– Đồ đểu! Loại báo cáo này chùi đít không xong chứ nói gì đến pháp lý! Tôi không làm việc với ông nữa. Từ nay đến một giờ chiều nay, nếu không có người chức trách có thẩm quyền đến làm việc với gia đình tôi, hoặc đến nhưng không đáp ứng yêu cầu của gia đình, tôi sẽ đưa con tôi lên cấp trên các ông để đòi công lý! Nói rồi ông bỏ ra về.

Quan đồn trưởng ngẩn tò te, mặt đỏ phừng phần vì tức giận, phần vì xấu hổ vì bẽ mặt. Với bản lĩnh lâu năm trong nghề, ông nhanh chóng trấn tĩnh lại, ông cho gọi mọi người vào hội ý. Ông đề nghị chính quyền xã phải phối hợp chặt chẽ với tổ quan, sĩ của đồn ông được tăng cường tiếp tục bám sát, theo dõi và thường xuyên báo cáo cho ông những diễn tiến của đám tang để ông cho ý kiến chỉ đạo. Cuộc hội ý kết thúc nhanh chóng, rồi ông cùng các quan đồn tỉnh lên xe về. Ngồi trên xe, đầu óc ông mông lung suy nghĩ, ông nhận ra vụ việc sẽ diễn biến phức tạp.
Liệu có phải báo cáo quan đồn tỉnh trưởng không? Ông tự đặt câu hỏi, rồi ông tự trả lời: Không! Nếu báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo tỉnh sẽ đánh giá khả năng của mình yếu, việc cất nhắc, đề bạt, lên quân hàm của mình trong năm nay sẽ tuột khỏi tay, đồng đội dèm pha... Rồi ông tự hình dung: Bọn nó định đưa thằng chết yểu kia đi đâu? Lên huyện hay lên tỉnh? Họ hàng nó có bao nhiêu người? Lực lượng trong tay ta có ngăn chặn được không? Quần chúng có ai ủng hộ bọn nó không?... Rồi ông lần lượt tự giải đáp: Đưa lên huyện? Không được. Lên tỉnh? Càng không thể, vì lực lượng trong tay ta có đến cả trăm người, đủ sức để ngăn chặn, dập tắt mọi hành vi quá khích. Bọn chúng không thể rước quan tài ra khỏi địa hạt do ta quản lý được, vì họ hàng bọn chúng chưa đến trăm người, mà có phải ai cũng đi được đâu! Quần chúng thì thằng nào mà dám cả gan tham gia chống lại “chính quyền của dân, do dân và vì dân”! Mà chắc gì nó dám đưa quan tài lên huyện, lên tỉnh! Thằng cha nó dọa thế thôi, chắc là không dám. Với lại có đưa lên thì giải quyết được gì! Ai giải quyết? Ngoài cái ngành này ra, ai giải quyết? Rồi ông thở phào nhẹ nhõm...

– Có việc gì không ổn làm quan anh tư lự vậy? Một quan đồn tỉnh đi cùng xe hỏi.

– Không! Không có gì! Các ông yên tâm! Tôi mà ra tay, thóc xay ra cám, việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ thành không.

– Bọn em biết tài trí của quan anh rồi! Mọi người tán thưởng.
Về đến đồn, ông cho triệu tất cả các quan, sĩ, cùng các phương tiện thường trực chờ lệnh ông.

*

Thân phụ nạn nhân về đến nhà kể cho mọi người trong họ nghe về kết quả cuộc làm việc với quan đồn trưởng huyện. Sự phẫn nộ tiếp tục dâng cao.

– Một giờ chiều nay bọn chúng không đến, hoặc có đến mà không giải quyết được việc gì, thì ta tiến hành theo cách của ta đã bàn. Tất cả mọi người chuẩn bị tư thế đối đầu với bọn chúng. Một người già trưởng họ tuyên bố.

– Phải đi! Dù phải đổ máu cũng phải đi! Mọi người đồng loạt tán thành.
Mười ba giờ. Mười ba giờ ba mươi. Vẫn không có quan nào đến. Tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên liên hồi. Họ hàng, dòng tộc, bà con lối xóm, hội hiếu của làng tập trung chật ních lối xóm. Quan tài được đưa ra đặt trên chiếc xe tang. Những vòng hoa một màu trắng tinh khiết được phủ lên trên quan tài. Tiếng khóc, tiếng kêu oan thảm thiết làm náo nhiệt một vùng quê chất phác vốn đùm bọc nhau đến hàng nghìn đời nay.
Xe tang lăn bánh bánh. Đoàn người nối nhau uốn khúc theo đường làng như dòng suối hiền hòa lặng lẽ trôi bao bọc xóm làng dưới những lũy tre xanh luôn che chở giông bão cho làng nước bình yên.

No comments:

Post a Comment