Saturday, June 20, 2009

Một tấm lòng ưu ái đồng bào ta ở nước ngoài

Trong buổi trò chuyện trên chương trình phát thanh “Từ Cánh Đồng Mây” đầu tháng 5 vừa qua của tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, nói chung thính giả chú tâm nhiều đến phần nói về bôxit Tây Nguyên. Là nhà khoa học, người nói đã đưa ra nhiều lý lẽ có căn cứ xác đáng rất thuyết phục về kinh tế-kỹ thuật đủ sức chứng minh rõ ràng tính bất hợp lý, bất hợp pháp của việc triển khai dự án  này. Thính giả càng sôi sục khi nghe người nói như thét lên quyết liệt: “Không được cho Trung Quốc vào Tây Nguyên”.

    Thật vậy, “Không được cho Trung Quốc vào Tây Nguyên” phải được xem là hiệu lệnh của toàn dân mà không người lãnh đạo nào được làm trái.

    Tuy nhiên, sau đó ít hôm, ai đó đã gửi vào hộp thư điện tử của tôi loạt bài của tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang viết về vấn đề đồng bào ta ở nước ngoài. Thì ra, ngoài phần bôxit Tây Nguyên, thính giả này lại đặc biệt lưu tâm đến nội dung này ở phần đầu buổi phỏng vấn. Tình cờ tôi được khuyến khích ngồi đọc lại mấy bài viết đó và có đôi dòng cảm nhận:



    Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang là một trong ba nhà khoa học thuộc hàng ngũ trí thức XHCN Việt Nam đầu tiên (Sau các ông Phan Đình Diệu và Vũ Đình Cự) có cơ may đặt chân đến Hoa Kỳ nhân dịp ông được mời trình bày một báo cáo khoa học tại Hội nghị Địa chất Quốc tế 28 ở Washington năm 1989.

    Trở về, ông thốt lên ngao ngán trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân ra ngày 1 tháng 4 năm 1990: “Một hôm, tình cờ tôi gặp một cháu trai mười tuổi, con một Việt kiều ở Niu Óoc. Cháu nói tiếng Việt không được sõi và ý chừng không muốn dùng tiếng mẹ đẻ. Tôi hỏi cháu quê ở đâu. Cháu bảo ở Ca-li-pho-nia. “ Cháu người nước nào ? ”, tôi lại hỏi. Cháu bảo là người Mỹ. Tôi hỏi cháu có biết nước Việt Nam ở đâu không. Cháu bảo không biết. Tôi nén một tiếng thở dài, nước mắt cứ muốn trào ra ” (1).

    Rồi ông làm thơ:

Những cây Floss Silk California

Nở màu hoa đào

Tôi nhìn

Giống hoa gạo quê tôi

Những em nhỏ Việt Nam nói tiếng Việt

Tôi nghe

Như tiếng nước ngoài



Những chú ngỗng trời

Xáo xác

Rót vào lòng tôi

Tiếng khóc



Bao giờ !

Chim tìm được

Quê hương ? ( 2 )



    Năm 1996, ông lại được trường đại học UCLA mời sang trong một chương trình cộng tác. Trở về, ông kể chuyện như reo vui:

    “Một hôm, tôi được mời ăn tối tại gia đình một trí thức Việt Kiều. Cảm giác ấm cúng đầu tiên khi tôi bước vào ngôi biệt thự có cây tường vi, cây đại trước cửa, có mùi hương trầm lan tỏa từ đâu tầng trên, là các cháu nhỏ không bắt tay tôi mà khoanh tay cúi chào thật lễ phép. Bữa ăn kéo đến quá khuya khi tôi chợt phát hiện các cháu thuộc khá nhiều ca dao Việt Nam. Đến nỗi khi tôi đánh đố, xướng lên "Gánh vàng đi đổ sông Ngô" thì có cháu đọc nối được "Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Tương"” ( 3 ).

    “Ra nước ngoài nhiều khi chỉ nghe thấy một người nói tiếng Việt đã mừng lắm huống chi đọc được những dòng chữ Việt Nam giữa trời đất nước người. Không phải chỉ có những dòng sách báo thôi đâu, cả những biển chữ rất lớn, rất đẹp treo ngang mặt người, treo tận trên cao. Không phải chỉ ở các thủ phủ của những quần cư người Việt đông đúc như Quận Cam ở California, Houston ở Texas, mà ngay giữa các phố lớn của Washington, Chicago tôi cũng từng gặp những biển hiệu như thế. Sao nhỉ? Sao giữa đất nước người mà bà con mình cứ ngang nhiên, cứ kiêu hãnh kẻ thật to những biển chữ: Lạc Hồng, Cửu Long, Diễm Xưa...” ( 3 ).

    Không chỉ reo vui, ông còn “ra tuyên bố”:

    “Người Nhật sau thảm bại ở chiến tranh thế giới lần thứ hai đã quyết tâm phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật với tâm niệm rằng mỗi chiếc ôtô xuất khẩu sẽ như mang được một lá cờ Nhật Bản cắm ở nước ngoài. Sao không kiêu hãnh chính đáng rằng mỗi người Việt Nam đang nói tiếng Việt, đang duy dưỡng văn hóa Việt trong bản thân, trong gia đình, trong cộng đồng mình ngoài bờ cõi đều là những lá cờ Việt Nam nhỏ phất bay đâu đó khắp hành tinh Trái Đất” ( 3 ).

    Ông trở nên mộng mơ, lãng mạn:

    “Dừng lại giữa một trang giấy, ngước nhìn nắng trời trong vắt hay thức dậy giữa đêm với tiếng gió thì thào ta đều có thể nghe từ một kinh tuyến nào đó tiếng người Việt Nam đang giảng bài trong giảng đường, bàn tay khéo léo Việt Nam đang dính mũi hàn bé xíu vào một mạng vi mạch hay thậm chí bước chân Việt Nam đang đặt lên con tàu vũ trụ...” ( 4 ).

    “Ngày nay, nếu mẫn cảm một chút, thì đêm đêm ta không thể không nghe trái tim Việt Nam còn đập đâu tận bên kia Thái Bình Dương, và trong những cơn gió đang thổi trên tất cả các kinh tuyến địa cầu đều có hơi thở ấm của người Việt Nam ” ( 1 )

    Lãng mạn, nhưng ông cũng lại rất thực dụng, ông tính đếm và thấy mừng cho cái “sức sống không gian” của Việt Nam đang được mở rộng và tăng cường: “Ngày nay, người Việt Nam đang có mặt trên 80 quốc gia lớn nhỏ khắp năm châu. Một khối lượng cán bộ khoa học kỹ thuật dồi dào, đa dạng được đào tạo và được tiếp xúc với thực tế ở 80 nước, trong đó bao gồm tất cả các nước tiên tiến nhất sẽ trở thành tiềm năng vô giá cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa không nước nào có được. Phải chăng đây là diễm phúc lớn mà ta sẽ được bù đắp sau bao nhiêu đau thương, tan tác của chiến tranh” ( 4 ).

    Trong khi báo chí chúng ta quyết liệt lên án và không tiếc lời mạt sát, nguyền rủa những người vì quá sợ hãi đã gạt nước mắt bỏ của cải, ruộng vườn, hộ tộc, quê hương ra đi thì ông không chỉ tỏ niềm thương xót mà còn nhìn thấy được cái tương lai sáng như ngọc đọng trong những giọt nước mắt kia. Ông viết:

    “Những người Việt Nam bỏ nước ra đi sẽ đem lại bao nhiêu phúc, bao nhiêu họa cho dân tộc. Điều này chưa được thảo luận kỹ và cũng chưa nên khẳng định một cách hàm hồ”.( 1 )

    Và ông nhắc nhở chúng ta:

    “Chỉ biết: Không phúc nào không có khả năng biến thành họa, không cái họa nào không ủ mầm nảy sinh ra cái phúc” ( 1 ).

    Nhắc nhở và khẳng định :

    “Ngày nay, khi nghĩ về Việt Nam, chúng ta không được chỉ nghĩ đến 54 dân tộc đang sống trên dải đất chữ S ở Đông Nam Á mà phải bao gồm cả nhiều cộng đồng người Việt Nam đang sống khắp đó đây, ngoài lãnh thổ. Họ là máu của máu chúng ta, là thịt của thịt chúng ta” ( 1 ).

    “Sau trường kỳ đấu tranh cực kỳ gay go, gian khổ, thắng lợi sẽ bị coi là hạn chế nếu giành lại được toàn vẹn lãnh thổ mà lại để mất đi một bộ phận nhân dân”. ( 1 )

    “Sau bao nhiêu cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, sau bao nhiêu mất mát hy sinh, có lẽ trời đất đã đền bù cho ta thêm cái mô-đun không gian giao hòa vào mô-đun thời gian để tăng cường sức sống bội phần cho tinh thần Việt Nam”. ( 3 ).

    Ông không chỉ xót xa trước thái độ tàn nhẫn đối với những người phải bỏ nước ra đi mà còn tỏ ra rất bực bội trước những ý tưởng chỉ toan tính lợi dụng, khai thác từ cái bộ phận xấu số này của dân tộc lấy mấy tỷ đôla gửi về hàng năm hoặc cái khối lượng chất xám vô cùng quý giá chứa đựng trong họ.

    Ông tha thiết đề nghị Đảng phải có cái nhìn nhân bản hơn:

    “Chúng ta hiện có hơn hai triệu người như thế sống rải rác khắp nơi trên mặt địa cầu. Họ rời đất nước vào những thời gian khác nhau, vì những lý do khác nhau và hiện ở nhiều lứa tuổi với nhiều tâm trạng khác nhau; nhiều thái độ chính trị với nhiều mong muốn khác nhau.

    Trong các cộng đồng người Việt ấy đang có tất cả những vấn đề của xã hội loài người. Có nhân ái thuận hòa và bạo tàn ganh ghét. Có tương thân tương ái và cạnh tranh quyết liệt trong nội bộ cộng đồng và với các cộng đồng khác. Có giàu sang hạnh phúc đang mỉm cười với người này, và nghèo hèn tủi cực đang siết chặt vào số phận người kia. Có "cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm" của bạn trẻ và nỗi cô đơn, héo hắt của người già. Có những em nhỏ đang sa dần vào vũng lầy tội lỗi, và có mầm mống của những nghệ sĩ lừng danh hay nhà khoa học lỗi lạc. Có cái chết của người dũng cảm nào đó dám đứng ra giải thích về những điều thiện của chúng ta, và có cái sống của những nén nhang nghi ngút trong nhiều nhà thờ tổ vừa lập.

    Tuy nhiên, do thiếu thông tin, do định kiến hay thờ ơ lãnh đạm mà chúng ta hiểu và biết rất ít về những đồng bào ấy của ta. Phải chăng, chúng ta chỉ mới chú ý đến 30 vạn trí thức và nhân viên nghiệp vụ trong hơn hai triệu người này; đến vài chục công ty đã có quan hệ làm ăn, buôn bán hoặc khoảng vài trăm triệu đô-la mà Việt Kiều gửi về cho thân nhân hằng năm? Phải chăng còn có những đố kỵ, cố chấp khi ai đó thốt lên: Nó vượt biên, nó trốn chạy, thế mà bây giờ nó về lại gọi nó là Việt kiều và đón tiếp như thượng khách.

    Phải chăng, khi nghĩ đến điều tốt, điều xấu, cái lợi và cái hại, nhiều người còn hết sức thiển cận”

    Cách đây gần 20 năm, ông đã đề xuất một nhiệm vụ chiến lược mà Đảng chưa hình dung được:

     “Vấn đề "đồng bào ta ở nước ngoài" phải được ghi nhận là một đặc điểm mới của Tổ quốc, của cách mạng Việt Nam. Nó chưa hề xuất hiện trong các giai đoạn lịch sử trước đây. Đây là vấn đề vừa phát sinh từ sau 1975 và nó sẽ còn phát triển lâu dài, phức tạp. Bởi vậy, nó phải được quan tâm đúng mức, như một trong những vấn đề quốc sách và Đảng cần đặt vào đây một nhiệm vụ chiến lược” (1).

    “Trong công tác dân vận đối với đối tượng này, Đảng cần đặt song song các nhiệm vụ tập họp, huy động, khai thác với xây dựng, bồi dưỡng chăm lo. Đây là địa bàn tốt để Đảng thể hiện đầy đủ tính nhân đạo cao cả của mình” ( 1 ).

    “Vấn đề đồng bào ta định cư ở nước ngoài phải được xem là một trong những vấn đề lớn của quốc gia, của dân tộc. Cần đặt vào đây những nhiệm vụ chiến lược và đưa vào phạm trù của những quốc sách.

    Đồng bào ta đã ra đi từ năm 1975 và lại đang ra đi từ khi Đông Âu tan rã và Liên Xô sụp đổ. Bởi vậy, vấn đề này đã và đang phát sinh và phát triển rất mới lạ. Muốn hạn chế sự xuất hiện của các lực lượng chống đối, đồng thời tranh thủ sức đóng góp to lớn của những cộng đồng người Việt Nam này, cần quan tâm thực sự đến họ với tấm lòng ưu ái của máu mủ ruột thịt. Cần tỏ ra rằng chúng ta vẫn xem cộng đồng những người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của nhân dân Việt Nam”. (5)

    Không chỉ phác định một nhiệm vụ chiến lược quan trọng, ngay từ khi thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1980, ông đã từng kiến nghị cụ thể việc cho đồng bào ta ở nước ngoài giữ quốc tịch Việt Nam:

    “Đề nghị tách Điều 5 Chương 1 thành hai điều. Một trong hai điều đó sẽ được ghi là:

    "Nhà nước Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc. Nhà nước tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ với gia đình, quê hương, được giữ quốc tịch Việt Nam và được trở về tái định cư trên đất nước Việt Nam khi có nguyện vọng" ” ( 5 ).

    (Bây giờ chúng ta mới thực hiện đề nghị này, cho đồng bảo ta ở nước ngoài được giữ 2 quốc tịch. Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang đề nghị sớm quá hay Đảng trì trệ, cố chấp quá? )

    Chỉ qua một vấn đề “Đồng bào ta ở nước ngoài” thôi, ta đã thấy tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang quả là một người vừa có cái tâm rất nhân hậu, vừa có cái tầm thật đáng nể trọng.

Hữu Lũng 20 tháng 6 năm 2009

    Vi Đức Hồi


Ghi chú:

( 1 ) Bài “ Một buổi tối ở Nữu Ước ” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1 tháng 4 năm 1990

( 2 ) Bài thơ “ Vô đề ” trong cuốn “ Khát vọng ngàn đời ”.

( 3 ) Bài “ Tinh thần Việt Nam – Sức sống Không gian, sức sống thời gian ” trong cuốn “ Suy tư và Ước vọng ”

( 4 ) Bài “ Tinh hoa Việt Nam lấp lánh khắp năm châu ” trong cuốn “ Khát vọng ngàn đời ”.

( 5 ) Bài “Thảo luận về dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt Nam 1980 ” trong cuốn “ Khát vọng ngàn đời”

No comments:

Post a Comment